Đất nền trong 2 quý đầu năm 2018 đã “sốt” gần như đã vượt ra khỏi sự kiểm soát chung của thị trường. Nóng nhất vẫn là khu vực: quận 2, quận 9, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ… Tại đây đang có lượng giao dịch đất nền nhiều nhất, giá cũng thay đổi từng ngày. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh nhà đất tại quận 9, cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất nền tăng như hiện nay. Ngoài việc mua để đầu tư thì sau sự cố cháy một số chung cư ở nội thành, người dân đang rất lo lắng về an toàn nên đã tìm mua đất nhằm mục đích lâu dài xây nhà để ở. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho giá đất tăng đột biến trong thời gian gần đây”. Cũng theo phân tích của vị giám đốc này, đất khu Đông chính là điểm đến thích hợp nhất với phân khúc khách hàng nói trên, vì hạ tầng ở đây gần như hoàn thiện, biên độ lãi bất động sản ở khu vực này cũng rất cao…
Thực tế thị trường cho thấy, trong 3 tháng trở lại đây, thị trường căn hộ đang chựng lại, nhiều nhà đầu tư đang tìm mọi cách để kích cầu, hạ giá bán để giải quyết căn hộ tồn, thì ngược lại đất nền đang rơi vào tình trạng khan hiếm. Có nhiều dự án đất nền ở quận 9, quận 2 và Thủ Đức tốc độ giao dịch nhanh, vừa ra hàng đã có người đặc cọc, giá “nhảy múa” từng ngày. Nếu cách đây vài tháng, giá đất tại khu vực Thạnh Mỹ Lợi (quận 2) vào khoảng 85-125 triệu đồng/², thì nay giá đã lên tới 100-160 triệu đồng/². Nếu so với thời điểm này năm ngoái khu vực tại đây giá cao nhất cũng chỉ 80 triệu đồng/m2. Tại khu vực quận 9 giá đất cũng rất nóng. Đất nền dự án ở các tuyến đường Lò Lu, Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Trinh đã tăng lên từ 27 triệu - 33 triệu/², nếu so với vài tháng trước giá chỉ từ 19-24 triệu đồng/m2. Không chỉ thế, “sức nóng” của đất nền cũng đã lan rộng ra đến các huyện như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, hạ tầng phát triển chưa hoàn chỉnh nhưng giá đất cũng tăng đều, trung bình 22 triệu đồng/m2, nếu so với cách đây 6 tháng, giá ở khu vực này cao nhất cũng chỉ 18 triệu/m².
Có thật sự khan hiếm?
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, thực trạng khan hiếm đất nền tại các quận ven hiện nay cũng là một nhu cầu thật. Vì hiện nay, sau nhiều năm triển khai, các dự án nhà ở xã hội vẫn còn dang dở, trong khi nhu cầu nhà ở tăng cao, mà đất nền trong nội đô thật sự khan hiếm nên đất nền ở khu Đông sẽ là “cứu cánh” cho người dân hiện nay. Trong quý 1/2018 thị trường TPHCM đã ghi nhận các sản phẩm đất nền đã không chỉ tập trung ở các quận, huyện ven TP mà có xu hướng lan tỏa sang các thị trường lân cận, như Đồng Nai, Long An, Bình Dương…
Đất nền khan hiếm còn nguyên nhân nữa, đó là gần đây TP siết chặt việc phân lô, tách thửa, đất phân lô mới hiện nay rất khan hiếm. Bên cạnh đó, các dự án mới ở khu vực lân cận có hạ tầng hoàn chỉnh, đường sá mở rộng rất thuận lợi... đã khiến giá đất được đẩy lên cao. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sốt đất nền hiện nay một phần tác động từ việc chính sách cho vay của ngân hàng đang có vấn đề, vì hiện nay tiền vay để mua nhà đất đang được núp dưới nhiều hình thức tín dụng tiêu dùng… mà doanh nghiệp đã “đạo diễn” rất nhuần nhuyễn.
Giới phân tích cũng chỉ ra nguyên nhân đất nền “nóng” như hiện nay là không loại trừ việc giới đầu tư thứ cấp đang thao túng thị trường. Đa phần các dự án phân lô bán nền mới ra hàng đều được giới đầu tư thứ cấp ôm hàng, tạo “cầu ảo” để đẩy giá lên. Đây là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng sốt đất nền như hiện nay.
Trong lần trao đổi với giới truyền thông gần đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, sốt đất là tình trạng phổ biến ở các khu vực vùng ven và hiện là bài toán vô cùng nan giải. Thành phố đã ban hành Quyết định 60/2017, quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa. Tuy nhiên, khi giới đầu cơ gom đất phân lô đúng theo Quyết định 60 thì không thể cấm được. Vấn đề là địa phương phải quản lý chặt để không bị phá vỡ quy hoạch và hình thành những khu nhà ở nhếch nhác do không được phép xây dựng kiên cố. Trước tình hình sốt đất nền trên diện rộng tại TPHCM trong những tháng qua, UBND TPHCM, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM… đã có nhiều biện pháp để hạ nhiệt và thực tế là thị trường đã có phần chựng lại nhưng cũng chỉ cục bộ ở một vài khu vực. Và thực trạng sốt đất nền là lời cảnh báo cho những ai trước nhu cầu thu gom đẩy giá.