Sụt lún nghiêm trọng ở quận nội thành
Ghi nhận thực tế tại hẻm 67, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh cho thấy, bức tường rào của tòa nhà cao tầng The M. đang bị sụt lún, chỗ rộng nhất khoảng 30cm. Phần móng của bức tường đã nứt toác, hở hàm ếch, lộ rõ lên khỏi mặt đất. Theo lời kể của ông Hà Thanh Tân (nhà bên cạnh tòa nhà The M.), tình trạng sụt lún ở đây diễn ra khoảng 6 năm nay, tốc độ sụt lún nhanh hơn khi tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh được thi công. Tương tự, tình trạng sụt lún đất nền đang xảy ra ở khu dân cư Phú Lợi, phường 7, quận 8 hay khu dân cư tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và nhiều khu vực khác, khiến nhiều người dân cảm thấy âu lo.
Theo JICA, Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam, các đơn vị đã tiến hành quan trắc lún các năm 2005, 2014, 2015, 2017. Công tác quan trắc được thực hiện bằng thủy chuẩn tại 19 điểm tham chiếu quốc gia có vị trí rải rác khắp TPHCM. Số liệu đo đạc cho thấy, độ lún trung bình hàng năm tại TPHCM là 2cm, có nơi 6cm, độ lún tích lũy từ năm 2005-2017 của thành phố là 23cm (ghi nhận cao nhất là 81cm). Mười quận có mức độ sụt lún đáng kể bao gồm: quận 2 (cũ), 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân, Thủ Đức (cũ). Trong đó, quận Tân Bình và quận 12 được ghi nhận có mức sụt lún lớn nhất. Quan trắc lún bằng phân tích InSAR của Trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng cho thấy, sụt lún đất nền ở TPHCM giai đoạn năm 2006-2020 có mức độ nghiêm trọng hơn ở các quận nội thành, đặc biệt ở các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Tân. Tại điểm sụt lún lớn nhất, độ lún tích lũy trong 15 năm là khoảng 43cm, với tốc độ bình quân 3cm/năm.
Các nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân gây sụt lún đất nền, đó là do cố kết thoát nước, do tính chất từ biến của đất đá, gia tăng tải trọng từ các công trình, khai thác nước ngầm quá mức… Sụt lún có thể gây ra những hậu quả nặng nề như làm hư hại hoặc rút ngắn tuổi thọ nhiều công trình giao thông, xây dựng, kiến trúc; khiến tình trạng ngập lụt ngày càng gia tăng.
Cần có giải pháp đồng bộ
JICA khuyến cáo, sụt lún đất nền ở TPHCM là vấn đề nghiêm trọng, cần phải xem xét các giải pháp ứng phó. Các giải pháp này cần được thực hiện trong thời gian dài và phải được chuyển giao công nghệ. Một trong những kế hoạch hàng đầu để hạn chế sụt lún đất nền ở TPHCM là kiểm soát việc khai thác nước ngầm quá mức. Theo lý giải của JICA, mặc dù UBND TPHCM đã ban hành quy định về giảm khai thác nước ngầm nhưng nhiều người dân vẫn tiếp tục sử dụng nước ngầm. Nước ngầm chủ yếu được sử dụng cho mục đích công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt. Trong đó, lượng nước được khai thác để sử dụng trong sinh hoạt của các hộ gia đình và cơ sở thương mại khá lớn, nhưng hầu hết giếng bơm đều không được đăng ký. Do vậy, cần tiến hành khảo sát để xác nhận lượng nước khai thác thực tế cho mục đích sinh hoạt, cần xem xét việc cung cấp nước từ các nguồn thay thế để ngăn chặn khai thác nước ngầm.
Liên quan đến vấn đề giảm khai thác nước ngầm, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, mục tiêu đến năm 2025, TPHCM sẽ giảm khai thác nước ngầm còn 100.000m3/ngày đêm; đồng thời thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không có giấy phép khai thác. Sở TN-MT sẽ tiếp tục phối hợp các quận, huyện, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước đến người dân; vận động người dân sử dụng nguồn nước cấp của thành phố; tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nước ngầm; hướng dẫn trám lấp giếng khoan không sử dụng để người dân có thể tự thực hiện. Ngoài ra, Sở TN-MT cũng yêu cầu Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn, Công ty CP hạ tầng nước Sài Gòn có giải pháp đảm bảo chất lượng, áp lực nước cung cấp cho người dân; có kế hoạch đầu tư, lắp đặt đường ống cấp nước cấp 2, cấp 3 tại một số khu vực chưa có mạng lưới đường ống cấp nước, mạng cấp nước chưa hoàn chỉnh, áp lực nước chưa ổn định để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.
Theo GS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng sụt lún hiện nay ở TPHCM là việc khai thác nước ngầm quá mức làm mực nước ngầm ngày càng thấp, trong khi áp lực từ các công trình xây dựng bên trên ngày càng lớn khiến mặt đất bị ép gây lún. Để hạn chế tình trạng sụt lún, cần giảm các tác động làm gia tăng tốc độ lún như giảm tải trọng công trình, siết chặt việc khai thác nước ngầm trong sinh hoạt và sản xuất; tập trung đầu tư mở rộng, cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dùng nước trên địa bàn. Đồng thời, chú trọng phát triển đô thị về hướng Bắc và Tây Bắc (như Hóc Môn, Củ Chi) bởi các khu vực này có nền đất cứng; hạn chế phát triển, mở rộng đô thị về các vùng trũng, thấp ở khu vực phía Nam.
Theo các chuyên gia địa chất, vẫn chưa thể lượng hóa được những thiệt hại do sụt lún, tuy nhiên, trong tương lai, TPHCM cần đánh giá rủi ro và nghiên cứu các giải pháp chống ngập, thoát nước có tính đến việc sụt lún đất nền và đưa vào trong quy hoạch phòng chống thiên tai. |