Ngày 16-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương trên toàn quốc về công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Tại đầu cầu TPHCM có sự tham dự của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng cùng đại diện lãnh đạo các sở ngành, quận huyện trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong (giữa), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: TTBC TPHCM Cứu cánh để vượt qua khó khăn
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân các dự án đầu tư công 6 tháng đầu năm gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch (cùng kỳ đạt 28,56% kế hoạch Quốc hội giao). Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. Có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương giải ngân dưới 20%, trong đó 7 bộ, cơ quan Trung ương dưới 5%.
Chính phủ họp ngày 16-7. Ảnh: QUANG PHÚC Về tình hình giải ngân dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo báo cáo của Bộ GTVT đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 3.437 tỷ đồng/8.970 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 38,3%.
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong 6 tháng đầu năm 2020 đã giải ngân khoảng 690 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đến nay là hơn 1.827 tỷ đồng, đạt trên 10% kế hoạch được giao. Còn dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020 là 932 tỷ đồng, hiện đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến đến ngày 20-8 Bộ GTVT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng gói thầu khảo sát, thiết kế.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nhân dân đang gặp khó khăn về thu nhập do ảnh hưởng dịch Covid-19, do đó đầu tư công là một trong các cứu cánh quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn.
Thủ tướng cũng chỉ rõ thực trạng, cùng cơ chế chính sách nhưng có những địa phương giải ngân rất tốt còn nhiều địa phương rất ì ạch, đó là do “bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và chỉ nói chung chung”. Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết cho được “3 cái đọng”: vốn đọng; nợ đọng; thủ tục đọng.
Thủ tướng đề nghị chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, chậm chạp, ì ạch, kém cỏi của giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: QUANG PHÚC Báo cáo Thủ tướng 2 tuần 1 lần về giải ngân
Theo Thủ tướng, năm nay phải giải ngân khoảng 28 tỷ USD, tương đương trên 630.000 tỷ đồng. Trong đó, địa phương chiếm gần 80%, còn lại là các bộ ngành. Thực tế hiện nay, công tác chuẩn bị dự án, chuẩn bị đầu tư còn yếu kém, nhiều bất cập, trong đó số vốn còn lại chưa giao chi tiết cho các dự án là hơn 27.000 tỷ đồng.
Thủ tướng cho rằng phải đôn đốc, quy rõ trách nhiệm của những người làm trực tiếp thì mới “được việc”, nếu chỉ nói chung chung thì khó nêu cao tinh thần trách nhiệm. “Động viên là cần thiết nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới hy vọng có sự chuyển biến tình hình”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành, các bộ trưởng phải có chương trình hành động cụ thể trong việc giải ngân vốn đầu tư công và đầu tư xã hội ở ngành và địa phương mình; báo cáo Thủ tướng 2 tuần 1 lần về giải ngân và kiểm tra, đôn đốc thực hiện.
“Khi làm việc ở địa phương, làm việc với các bộ ngành thì các đồng chí đều đề cập xin nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư phát triển địa phương, ngành mình. Nhưng khi nhận vốn rồi thì không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn. Điều đó diễn ra nhiều năm, nhiều thập kỷ”, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra.
Thủ tướng khẳng định, Quốc hội, Chính phủ đã mở ra cơ chế cho các địa phương, các ngành thì “các đồng chí phải lo việc tiêu tiền trên mảnh đất của mình, trên lĩnh vực, ngành mình quản lý”.
Chính phủ sẽ có biện pháp khả thi để thực hiện mục tiêu giải ngân đạt 100% khối lượng vốn năm nay, đưa ra các chế tài đối với người đứng đầu để nâng cao trách nhiệm trong vấn đề chậm giải ngân. Sẽ điều chuyển vốn từ nơi không tiêu được sang nơi có thể giải ngân được, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách, kể cả vốn ODA từ đầu tháng 8 tới để tập trung cho các công trình, dự án có khả năng giải ngân. Gắn kết quả giải ngân với thi đua, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ và đi liền với đó là xử lý nghiêm người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ, kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan không có chuyển biến. Công khai, minh bạch, biểu dương hoặc phê bình công khai trên báo chí, truyền hình những bộ, ngành, địa phương làm tốt hoặc chưa tốt việc giải ngân. Kiên quyết xử lý những bộ phận, những cá nhân thiếu trách nhiệm và công bố lên thông tin đại chúng. Không để tình trạng hồ sơ giải ngân ngâm quá 1 tuần...
“Không để tình trạng biết rồi nói mãi, cứ để năm này sang năm khác như thế. Sau hội nghị phải có hành động. Nếu cần có thể có nghị quyết của tỉnh ủy, thành ủy để phân công đôn đốc, chứ cứ nói chung chung còn việc cụ thể thì chậm trễ”, Thủ tướng chỉ rõ. |
Thủ tướng đọc tên các địa phương giải ngân tốt (đạt từ 45% trở lên): Nghệ An, Thái Bình, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nam, Lào Cai, Tiền Giang. Thủ tướng cũng nêu tên một số địa phương giải ngân rất chậm (dưới 20%): Quảng Trị, Trà Vinh, Khánh Hòa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Cần Thơ, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Đồng Nai.
PHAN THẢO