Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, việc nuôi trồng, phát triển sâm Ngọc Linh chủ yếu tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích hơn 6.000ha. Đến nay đã có một số doanh nghiệp trên cả nước tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường tiêu thụ trong nước với mặt hàng sâm.
Theo kế hoạch, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000ha trồng sâm tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Nghệ An, Lai Châu và Lào Cai. Đồng thời, hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và tỉnh Lai Châu. Cùng với đó, hoàn thiện chính sách đồng bộ về tổ chức sản xuất và các giải pháp khuyến khích phát triển ngành hàng sâm Việt Nam.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay, địa phương đang từng bước hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển ngành sâm. Trong tương lai, Quảng Nam sẽ phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm đạt thương hiệu sản phẩm quốc gia và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tại hội thảo, tỉnh Quảng Nam kiến nghị các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sớm ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam). Đồng thời, có những cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp vào trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm núi Ngọc Linh, hỗ xây dựng tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch,... phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho sâm Ngọc Linh tiếp cận thị trường thế giới.
Bộ NN-PTNT có hướng dẫn lập hồ sơ, cơ sở pháp lý để xác nhận cây sâm Ngọc Linh hiện trồng ở Quảng Nam là sâm nuôi trồng nhân tạo (không phải là sâm tự nhiên trong phụ lục CITES). Việc bình tuyển, công nhận giống cây sâm Ngọc Linh về phân định rõ là cây trồng nông nghiệp hay lâm nghiệp.