Bài viết “Chịu chơi cho bao lì xì 500K” được chia sẻ liên tục trên mạng xã hội, cùng hàng ngàn bình luận với những chiều ý kiến ngược nhau. Có người bấm bụng với những bao lì xì “chịu chơi” cũng bởi cái tiếng “một năm có 3 ngày tết”; có người chịu câu “keo kiệt” khi phong bì lì xì chỉ tượng trưng 20.000 đồng hay 50.000 đồng… Người làm lơ luôn chuyện lì xì để đón tết tiết kiệm, cũng chẳng mấy vui vẻ khi con cháu sum vầy mà không có phong bì xanh đỏ để mừng tuổi đầu năm.
Chuyện so đo mệnh giá của bao lì xì không ít lần khiến Hoàng Minh Thuần (33 tuổi, nhân viên kế toán, ngụ quận 8, TPHCM) khó xử. “Lúc nhỏ chỉ cần được lì xì là tôi thấy vui rồi, còn con nít bây giờ lì xì là tụi nhỏ mở ra coi liền, tiền 20.000 đồng, 50.000 đồng là tụi nó chê liền, phải từ 100.000 đồng trở lên thì mới ríu rít mừng rỡ. Cũng không trách được, mỗi thời mỗi khác mà, tết cũng ráng lì xì cho tụi nhỏ mừng chứ”.
Đặng Thu Lan (24 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Năm nay, tôi làm việc xuyên tết và qua đầu tháng 3 sẽ về nhà. Mặc dù về sau tết, nhưng tôi cũng chuẩn bị bao lì xì hết rồi. Mình còn công việc để làm, nhín một chút để lì xì cho mấy đứa cháu, đôi khi bao lì xì cũng là một cách chia sẻ mà người nhận không phải ngại ngùng. Lúc tôi còn nhỏ, các cô chú trong nhà cũng thường để bao lì xì cho tôi nhiều một chút, phần tiền đó tôi đóng học phí, mua thêm dụng cụ học tập cho học kỳ sau tết, đỡ một phần chi phí cho ba mẹ khi gia đình còn khó khăn”.
Lì xì luôn là câu chuyện tốt đẹp và may mắn cho dịp đầu năm mới, một phong tục mà dưới nhiều làn sóng tiếp biến văn hóa cũng khó có thể thay đổi hay lãng quên. Chuyện chê bao lì xì quá ít, hay cố chi thật đậm…, đều là chúng ta sai ở cách duy trì một truyền thống tốt đẹp. Lì xì chưa và không bao giờ là sai, chỉ là đôi lúc người ta chưa thật sự thấu đáo và đặt mình vào vị trí của nhau để đối đãi.