Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ
Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) có tổng chu vi hơn 70km, diện tích 7.313ha. Đây là mô hình thu nhỏ cảnh quan thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười nguyên sơ và là nơi trú ngụ của hơn 20.000 cá thể loài chim nước, trên 150 loài cá nước ngọt, 191 loài thực vật bậc cao cùng nhiều loài lưỡng cư, bò sát và các phiêu sinh vật khác...
Vườn quốc gia Tràm Chim còn lưu giữ và bảo tồn gần 3.000ha tràm, hàng chục hécta hoa vàng đầu ấn và cả ngàn hécta lúa trời, sen, súng, cỏ, năn... Đây là điều kiện thuận lợi cho các loài chim và nhiều động vật khác đến trú ngụ, sinh sống...
Vườn chia thành 5 phân khu chức năng từ A1 đến A5. Trong các phân khu có nhiều bãi cỏ năn là nguồn thức ăn ưa thích của loài sếu (hồng hạc) đầu đỏ, cổ trụi - một loài chim quý hiếm đang được thế giới bảo vệ.
Theo đánh giá, trong 10 năm qua, các cá thể sếu đầu đỏ ở Việt Nam và Campuchia đã suy giảm rõ rệt, từ khoảng 850 con vào năm 2010, chỉ còn khoảng 160 con vào năm 2022.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Dự án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại vườn đã được phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực vừa phục hồi đàn sếu tự nhiên vừa xây dựng cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ và quảng bá du lịch”.
Theo đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp nhận và chuyển giao các cá thể sếu từ Thái Lan về chăm sóc, huấn luyện theo giáo trình nghiêm ngặt, không làm thay đổi tập tính sống hoang dã của sếu tại Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Vườn quốc gia Tràm Chim. Dự kiến, giai đoạn 2023-2033, sẽ thả về tự nhiên 150 cá thể sếu, có ít nhất 100 con sếu sống khỏe mạnh và tự nhân đàn trong tự nhiên… Còn vùng sản xuất lúa hữu cơ dự kiến thả sếu là 1.138ha, với 275 hộ ở 2 xã Phú Đức và Tân Công Sính giáp khu A4, được thực hiện 3 giai đoạn, từ năm 2023 đến 2025.
Mở rộng nhiều điểm giữ chân và nhân đàn sếu
Từ giữa năm 2022 đến nay, có ít nhất 3 lần Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong khảo sát thực tế, làm việc với lãnh đạo huyện Tam Nông và Vườn quốc gia Tràm Chim. Lần đầu, ông đến Trại Bảo tồn sinh vật để thị sát việc xây dựng chuồng trại, nơi tiếp nhận cá thể sếu ban đầu về chăm sóc, nuôi dưỡng, làm quen với môi trường. Lần thứ 2, cuối tháng 2-2023, ông Lê Quốc Phong, ông Nguyễn Phước Thiện đến làm việc với UBND huyện Tam Nông và Vườn quốc gia Tràm Chim về tiến độ thực hiện mô hình sản xuất lúa hữu cơ vùng dự kiến thả sếu tự nhiên.
Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ phê duyệt tổng thể; gấp rút cải tạo tốt phân khu A4, khu nuôi sếu sinh sản, khu nuôi thả sếu phải phù hợp môi trường sống tự nhiên của sếu, có sinh cảnh tốt nhất cho sếu sinh trưởng và phát triển…
Về sản xuất lúa hữu cơ, ông yêu cầu: Nhà nước và địa phương phải làm cầu nối để người dân thấy việc sản xuất lúa hữu cơ là có lợi, tránh sự ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Tất cả phải làm song song chứ không chần chừ, bỏ lỡ cơ hội tốt. Lần thứ 3, ngày 7-7 vừa qua, ông Lê Quốc Phong và ông Nguyễn Phước Thiện và đoàn công tác đi sâu vào Vườn quốc gia Tràm Chim khảo sát tuyến du lịch sinh thái dự kiến vào vùng lõi khu A1 - nơi thực hiện phục hồi sinh thái, bãi năn kim và lúa ma; khảo sát khu dự kiến thả sếu ở khu A4, A5.
Qua khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu Vườn quốc gia Tràm Chim vẽ lại bản đồ đánh giá diễn biến mực nước lũ 10 năm trở lại đây; chọn lực lượng đoàn viên thanh niên và người dân địa phương am hiểu về vườn để tập huấn làm cộng tác viên hướng dẫn du lịch, kể những câu chuyện hấp dẫn, sinh động về hệ sinh thái động - thực vật của vườn.
Theo đó thiết kế lại tour, tuyến và thời gian thích hợp để du khách trải nghiệm; bước đầu tạo điểm môi trường sống, phục hồi bãi cỏ năn kim, lúa ma… cho sếu ăn. Sau đó, mở rộng nhiều điểm để giữ chân sếu và nhân đàn; giữ nguyên rừng tràm đã trồng, tỉa thưa tràm tái sinh tạo cảnh quan thông thoáng làm bãi đáp cho sếu…
Thăm một số hộ dân làm lúa hữu cơ ở vùng đệm, ông Lê Quốc Phong phấn khởi với sự đồng thuận của người dân trong canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Ông ghi nhận, yêu cầu các sở ngành chức năng tỉnh và chính quyền địa phương khảo sát thực tế để hỗ trợ nông dân hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thực hiện thành công “Dự án sản xuất lúa hữu cơ tại vùng dự kiến thả sếu tự nhiên để bảo tồn và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2023-2033”, với khoảng 150 cá thể sếu.
Cùng đi với đoàn, TS Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên Đại học Quốc gia TPHCM, Giám đốc Công ty Du lịch Wildbird Tràm Chim, cho biết, sẽ thu mua toàn bộ sản lượng lúa của 4 hộ nông dân tham gia canh tác 40ha lúa theo hướng hữu cơ trong vùng đệm.
Việt Nam và Thái Lan hợp tác bảo tồn đàn sếu Từ ngày 18-7 đến 22-7 vừa qua, đoàn cán bộ của Thái Lan có ông Thanachon Kensingh, Giám đốc Vườn thú Nokhon Ratchasima cùng các chuyên gia, nhà khoa học… đã đến Đồng Tháp khảo sát hệ sinh thái tự nhiên tại các phân khu trong Vườn quốc gia Tràm Chim và khu vực triển khai mô hình lúa hữu cơ xung quanh khu A4. Đoàn đã đánh giá cao việc hợp tác bảo tồn sếu đầu đỏ giữa tỉnh Đồng Tháp và Thái Lan sau đợt ký kết thành công biên bản ghi nhớ hợp tác bảo tồn sếu đầu đỏ vào tháng 4-2023 giữa UBND tỉnh Đồng Tháp, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam, Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan và Hội Sếu quốc tế. Theo đó, đoàn Thái Lan đã tư vấn hỗ trợ Vườn quốc gia Tràm Chim về phục hồi đa dạng sinh học, môi trường cảnh quan thiên nhiên phù hợp với môi trường sống tự nhiên của sếu và thiết kế hạ tầng kỹ thuật chuồng trại bảo tồn, phát triển đàn sếu giai đoạn 10 năm... Tất cả đã và đang chuẩn bị sẵn sàng theo đúng quy trình, mọi người đang háo hức đón chờ cá thể sếu đầu đỏ, cổ trụi từ Thái Lan chuyển tới Vườn Quốc gia Tràm Chim để chăm sóc và thả về môi trường sống tự nhiên. Một cánh cửa đã mở ra với Tam Nông, Đồng Tháp nói chung và Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng.
Việt Nam và Thái Lan hợp tác bảo tồn đàn sếu
Từ ngày 18-7 đến 22-7 vừa qua, đoàn cán bộ của Thái Lan có ông Thanachon Kensingh, Giám đốc Vườn thú Nokhon Ratchasima cùng các chuyên gia, nhà khoa học… đã đến Đồng Tháp khảo sát hệ sinh thái tự nhiên tại các phân khu trong Vườn quốc gia Tràm Chim và khu vực triển khai mô hình lúa hữu cơ xung quanh khu A4.
Đoàn đã đánh giá cao việc hợp tác bảo tồn sếu đầu đỏ giữa tỉnh Đồng Tháp và Thái Lan sau đợt ký kết thành công biên bản ghi nhớ hợp tác bảo tồn sếu đầu đỏ vào tháng 4-2023 giữa UBND tỉnh Đồng Tháp, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam, Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan và Hội Sếu quốc tế.
Theo đó, đoàn Thái Lan đã tư vấn hỗ trợ Vườn quốc gia Tràm Chim về phục hồi đa dạng sinh học, môi trường cảnh quan thiên nhiên phù hợp với môi trường sống tự nhiên của sếu và thiết kế hạ tầng kỹ thuật chuồng trại bảo tồn, phát triển đàn sếu giai đoạn 10 năm... Tất cả đã và đang chuẩn bị sẵn sàng theo đúng quy trình, mọi người đang háo hức đón chờ cá thể sếu đầu đỏ, cổ trụi từ Thái Lan chuyển tới Vườn Quốc gia Tràm Chim để chăm sóc và thả về môi trường sống tự nhiên. Một cánh cửa đã mở ra với Tam Nông, Đồng Tháp nói chung và Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng.