GS Allan Walton của Đại học Birmingham (Anh) là giám đốc của Công ty Hypromag chuyên khai thác và tái chế nam châm neodymium từ các đĩa cứng đã sử dụng (ảnh), tin rằng trong 10 năm tới, công ty của ông có thể tái chế đủ neodymium để đáp ứng 1/4 nhu cầu của Vương quốc Anh. Hiện Anh phải nhập khẩu gần như tất cả các loại đất hiếm từ Trung Quốc. Sắp tới, khi ngành xe điện thân thiện với môi trường phát triển, nhu cầu về neodymium sẽ càng cao hơn.
Tuy nhiên, bản thân quá trình tinh chế đất hiếm lại cần sử dụng nhiều hóa chất tương tự như các loại hóa chất tẩy rửa lò nướng và mỹ phẩm nên chất thải của chúng có thể gây hại môi trường nếu không được kiểm soát đúng cách. Tại một địa điểm khai thác đất hiếm ở Nội Mông (Trung Quốc), đã hình thành cả một hồ nước lớn đầy chất độc. Dự án của GS Walton không chỉ cung cấp một giải pháp xanh hơn cho thị trường đất hiếm, mà việc khai thác các khoáng sản này trên toàn cầu cũng sẽ thân thiện môi trường hơn nhờ việc xử lý rác thải điện tử. Công ty Hypromag dự kiến sẽ công bố một thỏa thuận với công ty xe hơi Bentley của Anh để tái chế đất hiếm. Công ty này cũng đã nhận được khoản tài trợ 2,6 triệu bảng từ Quỹ Đổi mới Vương quốc Anh và nửa triệu bảng đầu tư và hợp tác từ một mỏ đất hiếm ở châu Phi.
Tuy nhiên, giải pháp Hypromag sẽ chỉ đáp ứng một phần nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại đất hiếm, mà các nhà phân tích ước tính sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. GS Walton tin rằng, nếu Anh hành động ngay bây giờ và tạo ra một ngành công nghiệp tái chế đất hiếm quy mô, nước này có thể trở thành nước đi đầu thế giới về tái chế đất hiếm.