“Hồi đó đón xe ôm về nhà, tôi không dám nói địa chỉ mà cứ bảo chở về Cây Gõ. Tới Cây Gõ thì tôi nói chạy lên chút nữa, chút nữa, chút nữa. Chừng thả tôi ở đầu xóm, ông xe ôm la làng quá trời. Nhưng nếu không gạt ổng thì làm sao có xe để về”, chú Trịnh A Lục, một người dân “lãnh địa” Cây Da Sà khét tiếng một thời, nhớ lại. Những cư dân ở đây, giống như chú Lục, đều khẳng định với chúng tôi: “Cây Da Sà khét tiếng chỉ còn là chuyện cũ xưa. Không tin mời xuống coi!”.
Khu dân cư lột xác
Anh cán bộ trẻ trên UBND phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân dẫn chúng tôi từ văn phòng UBND phường, qua dăm ngã rẽ là tới trụ sở Ban điều hành Khu phố 14, nằm trên đường An Dương Vương.
Bước vào chúng tôi gặp ngay ông Bùi Đình Trọng, Trưởng ban điều hành khu phố, tay lăm lăm điện thoại túi bụi giải quyết công việc. Người dân trong khu phố ra vô liên tục tìm “ông lãnh đạo khu phố” hỏi đủ thứ chuyện. Khi hỏi về Cây Da Sà, ông Trọng xua tay ngay: “Tên đó dĩ vãng rồi, giờ thuận miệng người ta nói vậy chứ dân ở đây cũng hầu như quên luôn “chiến tích” của Cây Da Sà hồi trước. Tôi cho người dẫn nhà báo xuống, để tin lời tôi nói nghen”. Ông giới thiệu chúng tôi với cô Châu Thị Nga, cũng trong ban điều hành, phụ trách khuyến học.
Dẫn chúng tôi ra con đường An Dương Vương, cô Châu Thị Nga tự tin chỉ: “Đây, khu này là ranh giới của Cây Da Sà hồi xưa đó. Khu này có mấy con hẻm, bước vô là vô “lãnh địa” cũ nha”. Cô dẫn chúng tôi vô con hẻm đầu tiên. Con đường hẻm nhỏ xíu xiu, nhà cửa chật chội nhưng hầu như đều được xây gạch. Cô Nga thuyết minh: Khu vực Cây Da Sà mà nhà báo nghe nói tới nằm trên địa bàn khu phố 14, gồm 3 tổ dân phố với hơn 300 hộ dân. Lúc trước, nhiều căn nhà nơi đây được cất theo lối trại gia binh, nhỏ hẹp, xập xệ và san sát nhau, mỗi căn chỉ rộng từ 6 - 16m². Đi qua ngó ngang ngó ngửa, thì nhà nào cũng nêm chặt người. Có những nhà 6m2 mà 6 - 7 nhân khẩu; thậm chí có nhà chỉ tầm 4m² (vốn là căn bếp được cải tạo thành nơi trú ngụ của cả gia đình) lại có đến 5, 6 người chui ra chui vào.
Qua lời cô Nga thì nơi đây đã thay đổi hoàn toàn so với trước: “Hồi trước không được vầy đâu. Trong nhà, tầng dưới tầng trên ngăn nhau bởi tấm gác bằng ván gỗ, mối mọt khắp nơi, có thể sập bất cứ lúc nào. Muốn nâng mái, sửa gác để nhà cửa chắc chắn hơn cũng không được vì toàn bộ chưa có số nhà, không được phép sửa chữa, cải tạo. Giờ thấy không, có số nhà, có giấy tờ hẳn hoi nên nhà xây xuất hiện rồi đó, dù phần lớn là gác giả nhưng cũng có đổ bê tông nhẹ, gác gỗ hầu như chả còn”. Quan sát một vòng, trong những con hẻm của Cây Da Sà, những ngôi nhà nhỏ xíu được sửa chữa nâng cấp lại. Có nhà đang xây dựng lại nguyên căn, đổ gác giả để khỏi phải lo “bà hỏa” tới thăm.
“Khách quý” khu này hồi trước là “bà hỏa” và “bà thủy”. Cũng may, “bà hỏa” đe dọa thiệt nhưng chưa bùng phát, cũng bởi người dân rất nhạy với cháy nổ. Chuyện vui là có hôm phường, quận xuống tập huấn phòng chống cháy nổ cho địa phương. Nghe râm ran cháy cháy gì đó là bà con rần rần vác xô, vác thau chạy ra ngay. Tâm thế phòng cháy được dân nơi đây quan tâm tới vậy…
Còn “bà thủy” lại là nỗi ám ảnh. Chú Trịnh A Lục (ngụ 643/20 An Dương Vương, Tổ dân phố 152) kể: “Khu này mưa là như “thành phố biển”, ngập dữ lắm. Nước mưa lẫn nước cống tràn vào nhà lênh láng. Có lần tui ngồi ở trong phòng, thả thõng chân xuống, không mang dép gì hết, chừng 15 phút thôi, thấy chân lạnh lạnh là biết đến lúc tát nước”. Còn với chị Ngô Thị Thu (ngụ 324/18 Tỉnh lộ 10, Tổ dân phố 153), cảnh cả nhà ngồi chồm hổm ăn cơm hay ban đêm nước lên, vợ chồng con cái đang ngủ mắt nhắm mắt mở ngồi dậy cuốn chiếu là chuyện thường.
Sự đổi thay bắt đầu vào khoảng năm 2012, sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định cấp sổ hồng, số nhà cho những nhà trong khu vực. Để có được kết quả này, suốt thời gian dài chính quyền phường Bình Trị Đông và quận Bình Tân kiên trì đề xuất. Trừ lác đác vài căn vẫn giữ hiện trạng cũ, hầu hết các nhà còn lại đều nâng mái, làm sàn gác giả đúc. Nhờ vậy, khu Cây Da Sà mang bộ mặt khang trang, tươi mới hơn. Nỗi khổ ngập nước cũng không còn khi chính quyền đầu tư nâng cấp, bê tông hóa tất cả tuyến hẻm, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại vừa hạn chế tình trạng nước ngập. Quan trọng nhất là tuyến cống thoát nước được chính quyền xây dựng, giúp cả khu vực bớt hẳn cảnh “ngập rong rêu”. Lúc đầu, có cống, đường mới lại cao hơn nhà cũ đến cả 1 - 1,5m, dân lại lo vì nước chưa kịp thoát ra cống đã chảy vô nhà. “Giờ bớt lo rồi, những hộ nghèo được chính quyền hỗ trợ 10 - 15 triệu đồng/hộ để nâng nền, nâng mái và được mắc đồng hồ điện miễn phí. Giờ ở khu này, số lượng nhà thấp hơn mặt đường không còn bao nhiêu”, cô Châu Thị Nga phấn khởi nói.
Không giấu nổi niềm vui, cô Trần Sám Múi (ngụ 304/19 Tỉnh lộ 10) khoe: “Trước, nhà tui thấp hơn mặt đường, không những khổ sở vì nước vào nhà khi có mưa xuống mà còn phải kê ghế mới bước vào bước ra được. Hôm trước được Nhà nước cho 10 triệu đồng, tui mượn thêm ít tiền để nâng nền nhà lên 1m. Nếu không có chính quyền quan tâm thì không được như thế này”.
Ám ảnh ma túy đã xa
Bước vào khu Cây Da Sà, nếu không quen địa hình, người lạ sẽ bị hoa mắt bởi khu này có nhiều tuyến hẻm nhỏ ngang - dọc thông nhau. Với địa hình này, từ trước giải phóng, Cây Da Sà trở thành khu phức tạp với nhiều loại tệ nạn, ai nghe đến tên cũng ngán, không muốn đặt chân đến. “Nổi” lên nhất trong các tệ nạn là ma túy. Các con nghiện từ nơi khác vào xóm này mua bán, hút chích ma túy như chốn không người; còn đám thanh niên trong xóm nhiều người dân trí thấp, không có công ăn việc làm, tụ tập chơi bời nên cũng sa vào nghiện ngập.
Trong trí nhớ của cư dân vẫn còn hình ảnh chỉ cần bước vào đầu hẻm là thấy “kỹ sư cầu đường”, “bác sĩ” (biệt hiệu ám chỉ con nghiện) nằm la liệt. Tối đến, nhà nhà đóng cửa, không dám để con trẻ ra đường vì sợ bị lôi kéo, rủ rê sử dụng ma túy. Thậm chí, vì con nghiện hay tụ tập trước nhà chích choác, có người ban đêm đã phải bế con đi nơi khác ngủ. Rồi con sâu “ma túy” ám ảnh tới mức bà con không dám cho con em đi học vì sợ không quản lý nổi, lỡ bị bọn xấu lôi kéo thì coi như xong đời.
Để chuyển hóa “điểm nóng” ma túy này, chính quyền địa phương và Công an quận Bình Tân, phường Bình Trị Đông liên tục tuần tra kiểm soát 24/24 giờ bên cạnh việc tổ chức nhiều chốt di động. Trong đó, sự kiên trì bám trụ địa bàn của cảnh sát khu vực góp phần quan trọng đem lại sự bình yên cho “lãnh địa” ma túy khét tiếng hàng chục năm. Còn nữa, nhiều gia đình ở đây có con cái mới lớn, ai cũng lo con mình vướng vô ma túy không gỡ ra nổi, nên ai cũng trong tâm thế hỗ trợ hết mình lực lượng chức năng xóa điểm đen. Câu chuyện kéo giảm ma túy ở đây cũng có phần đóng góp từ tin báo của dân.
Trong câu chuyện với chúng tôi, cô Châu Tố Nga và một số người khác nhắc đi nhắc lại: “Tôi thấy phục chính quyền vì đã quản lý, dẹp được tệ nạn ở khu này. Và cũng may mà có anh Nguyễn Ngọc Hoa (cảnh sát khu vực vào thời điểm đó) vừa giỏi vừa năng nổ nên mới đỡ được như vậy. Hồi đó, ai trong xóm phản ánh là ảnh tới ngồi luôn chỗ tụi bán ma túy hay lảng vảng. Ảnh ngồi miết ngồi miết, bọn bán thuốc hết dám lai vãng tới. Tôi thấy, cứ cách làm như vầy, tận tâm như vầy là giải quyết được tình hình ngay”. Mà thật, Cây Da Sà đến giờ đã không còn gắn liền với nỗi ám ảnh ma túy. Năm rồi trong khu vực không xảy ra vụ án hình sự, hay các vụ mua bán ma túy nào…
Trở ra trụ sở ban điều hành, ông Bùi Đình Trọng tiếp chúng tôi rất vui vẻ. Ông nói: “Khi chính quyền hỗ trợ làm đường, lắp cống trong khu này, ngày nào tôi cũng tiếp bà con mình từ trong hẻm ra hỏi thăm tiến độ. Ai cũng mong, cũng chờ ngày Cây Da Sà được thoát kiếp “lãnh địa” khét tiếng hồi trước. Giờ bà con tin chính quyền rồi - Cây Da Sà đã hết ma túy, hết ngập, có nước sạch, con cái có điều kiện học hành…”
Khu phố 14 phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân được chia thành 3 tổ dân phố, từng được xem là khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao. Khu phố có diện tích hơn 11.000m² với nhiều con hẻm có chiều rộng chỉ 1 - 2m, chiều dài ngắn hơn 100m, có 169 căn nhà được xây dựng bằng vật liệu dễ cháy như gỗ, ván ép. Người dân trong khu phố có thói quen cúng bái, đốt giấy tiền vàng bạc; sinh sống chủ yếu bằng nghề chiên bánh bò, bánh tiêu và sử dụng nguồn lửa trần nên nguy cơ tiềm ẩn cháy rất cao. Từ đầu năm 2014, UBND phường Bình Trị Đông phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xuống từng hộ gia đình có nhà làm bằng vật liệu dễ cháy vận động cải tạo, nâng cấp, thay thế bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy; vận động các hộ dân tự trang bị bình chữa cháy tại nhà. Đến nay, khu phố 14 đã không còn là khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao của thành phố.