LTS: 42 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ở TP phương Nam này, nhiều góc phố, con đường một thời là điểm đen, là “đất dữ” nay đã đổi thay. Người ta từng nói đến những Cây Da Sà, Nhị tỳ Quảng Ðông… với những nỗi khiếp sợ, thì nay, trở lại khu vực này, trên những con đường, ngõ hẻm là sự an yên của người dân, là những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền địa phương để hóa lành những vùng đất dữ.
1. Có lẽ không địa bàn nào ở TP này lại có nhiều con đường tên hoa đến vậy. Hoa Hồng, Hoa Ðào, Hoa Phượng, Hoa Lan, Hoa Sứ… Rồi cái khu dân cư Rạch Miễu mà chính quyền TPHCM và quận quy hoạch hồi đó, giờ là những dãy nhà sầm uất, trụ sở của nhiều cơ quan, đơn vị.
Nhiều nhất vẫn là chi nhánh các ngân hàng, có lẽ bởi vậy mà người dân nơi đây còn gọi vui đường Phan Xích Long - con đường chính của xóm cù lao ngày xưa - là “phố tài chính”. Rồi khách sạn, nhà hàng mở lên san sát. Từ trên cao nhìn xuống, xóm cù lao hồi đó giờ là những con đường mát rượi, đông đúc với những căn nhà khang trang, những con đường sạch sẽ. Giá thuê mặt bằng ở đây cũng rất cao, có vị trí đắc địa lên đến năm bảy chục triệu đồng một tháng, vậy mà người thuê vẫn tìm đến nườm nượp.
Ông Huỳnh Giới (67 tuổi, ngụ 133 đường Cù Lao, phường 2 quận Phú Nhuận) có nhà mặt tiền, trước mặt tận dụng làm tiệm bán ống nước, rồi cho thuê mặt bằng làm quán cà phê, tiệm hớt tóc nói, ở khu này kiếm sống được từ tiền thuê mặt bằng không ít. Có hộ bán một căn nhà chỗ này, mua được tới 2-3 căn nhà chỗ khác cho con cái, quá hời! Ông Giới kể: “Hồi mới làm quy hoạch khu này, bà con còn hồ nghi lắm. Mà không hồ nghi sao được, cái xóm cù lao biệt lập với TP bởi con kênh đen xung quanh, đời sống dân cư thì nghèo, cả đời cứ bán mặt cho ao rau muống, bao giờ mới khá khẩm? Hồ nghi suốt nhiều năm trời, giờ những bà con ở lại mới thấy hết hiệu quả của việc giải tỏa quy hoạch lúc đó. Giá nhà đất lên cao vùn vụt. Ao rau muống lấp hết trọi trơn. Giờ có nhà, có cửa, làm ăn buôn bán cũng dễ, con cái được học hành đàng hoàng. Ai chả sướng!”.
Ông Hoàng Sơn Hà (64 tuổi, ngụ 508/6B Cù Lao, phường 2, quận Phú Nhuận) nhớ lại: “Trước, người ta gọi chỗ này là vùng nông thôn ngoại ô. Cơ man là ao, ruộng rau muống. Rau muống cù lao cung cấp cho cả khu nội thị hồi đó. Do như ở nông thôn nên người dân cũng có “tư duy nông thôn” đi kèm. Chỗ này chỗ nọ, dân đào giếng khoan tùm lum, nước sạch thì không có, môi trường vệ sinh nhếch nhác. Rồi nạn ăn nhậu, đánh nhau xảy ra như cơm bữa”. Khi chính quyền có chủ trương quy hoạch khu dân cư Rạch Miễu, dân cũng chỉ nghe thôi chứ chẳng tin là bộ mặt nơi mình ở sẽ thay đổi như thế nào. Ðầu tiên là hệ thống cống đúc sẵn được chính quyền đưa về xóm cù lao. Nhưng rồi vướng nguồn vốn đầu tư mà cống vẫn nằm trên lộ. Lúc đó, địa phương mới đau đầu vì tệ nạn bùng phát.
“Chúng tôi làm công tác ở địa phương, tối tối đi gom được cả bao ống chích. Con nghiện ở đây, rồi nơi khác tràn về sống ngay trong các ống cống nổi trên mặt đường. Ngày đi kiếm chác, tối tụ tập hút chích. Hồi đó, ngồi ăn cơm trong nhà, mà con nghiện vào tận sân dắt xe đạp chạy. Phức tạp vậy nên chúng tôi thành lập đội dân quân tự vệ để tuần tra giải quyết. Tôi nói thiệt với mấy em - đi làm với chú, không có tiền nhưng ráng làm vì chính nơi mình đang ở. Dân tin chúng tôi, cho con em ra làm chung, rồi có tin hút chích, tội phạm là báo ngay. Tệ nạn giảm dần cũng từ lòng tin của dân”, ông Hà nhớ lại.
Trước khi tiếp tục thi công lắp cống hộp, địa phương cũng tuyên truyền bà con nhiều lắm để hỗ trợ chính quyền dẹp tệ nạn. Từ cung cấp tin báo tệ nạn tới dựng rào đất để chống xả rác, không cho đối tượng nghiện hút tìm chỗ nương náu… dân đều nghe theo chính quyền.
3. Trở lại vụ quy hoạch, giải tỏa, thời điểm đó là điểm nóng ở TP này. Ông Huỳnh Giới nhớ lại lúc TP và quận bắt đầu chủ trương giải tỏa, quy hoạch “xóm cù lao rau muống”. Ông kể, đó là thời điểm năm 1998, có người chống đối, kiên quyết không giải tỏa; người đồng ý giải tỏa được bố trí tái định cư, được cấp nền nhà. Ðược cấp nền mới, nhiều người bán ngay dọn đi chỗ khác vì không tin nơi đây sẽ đổi thay. Lúc đó, gia đình ông Ðoàn Văn Truyện cũng nằm trong diện giải tỏa và được cấp một nền nhà khác. Tuy nhiên, không rõ vì sao mà ông cứ lần lữa, chưa chịu tháo dỡ. Ðại diện khu phố gồm ông Quyết, Bí thư chi bộ và ông Giới tới tận nhà tìm hiểu nguồn cơn.
Làm dâu xóm cù lao từ năm 1998, chị Phạm Nữ Bích Hảo (ngụ 36/30 Cù Lao) kể, hồi đó đưa chị về làm dâu xóm này, đi ngang qua cây cầu cũ, mẹ ruột chị ngó quanh rồi nắm chặt tay chị mà rưng rưng: “Khổ con tôi quá, lấy chồng Sài Gòn mà như ở miền Tây”. Chị nhớ lại: “Ngồi trên xe qua cầu, thấy cơ man là ao rau muống, rồi chân cầu là mấy ngôi nhà ván kê trên mấy cây gỗ, mẹ tôi thấy chạnh lòng cho con gái. Nhưng giờ, sau gần 20 năm, lấy đâu ra hình ảnh đó nữa. Ðường Trường Sa qua khu vực này được cho là đẹp nhất tuyến; rồi trường học, nhà thi đấu thể thao, những khu buôn bán sầm uất. Còn đâu xóm cù lao xập xệ ngày nào”.
Không chỉ thay da đổi thịt, sầm uất, bây giờ xóm cù lao còn là những con đường, con hẻm không rác. Không hề có bịch rác nào tràn ra mặt đường vì người dân ký cam kết với chính quyền phường chỉ đưa rác ra khi có xe thu gom. Ai làm sai, tổ dân phố, khu phố, trật tự đô thị chụp hình hoặc bị camera an ninh ghi hình để phường xử phạt.
Hiện nay ở phường 2, quận Phú Nhuận đang triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng mương thoát nước cầu Cụt. Khi dự án thực hiện xong sẽ góp phần thay da đổi thịt khu vực này, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Mục tiêu mà như lời anh Tạ Duy Thiện, Chủ tịch UBND phường 2, là xây dựng “phường bình yên”, ngó bộ không còn xa…