Đất Đỏ với công tác chăm sóc người có công

Trải qua hơn 300 năm hình thành và phát triển, huyện Đất Đỏ là một trong những cái nôi văn hóa, lịch sử của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và miền Đông Nam bộ. Trong 2 cuộc kháng chiến, Đất Đỏ cũng là địa phương giàu truyền thống cách mạng, là quê hương của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu. Nhiều năm qua, công tác chăm sóc người có công luôn được huyện quan tâm.

Điểm hẹn tâm linh Minh Đạm

Một ngày cuối tháng 7, theo cung đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận, chúng tôi tìm về căn cứ Minh Đạm, một di tích tích lịch sử cấp quốc gia nằm ở độ cao khoảng 350m của dãy Minh Đạm. Nơi đây, lá cờ đỏ búa liềm lớn nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào năm 1933 đã tung bay, cũng là nơi ghi danh 2.692 liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, trở về quê cũ, ông Nguyễn Văn Sơn (68 tuổi, ngụ TP Vũng Tàu) nắm tay vợ mắt rưng rưng hướng lên phía đền Minh Đạm. Nơi đây từ năm 1959 đến năm 1972, lần lượt 4 người, gồm cha và 3 người anh, chị trong gia đình ông đã ngã xuống sau các trận tấn công của địch. Vài năm trước, mẹ ông, bà Lê Thị Ngọc, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng mất, giờ gia đình chỉ còn ông Sơn và một người anh trai là thương binh hạng 1/4. Vào dâng hương xong, ông trở ra trò chuyện với vài người đồng hương rồi lại vội vàng lên đường đi viếng các đền tưởng niệm liệt sĩ các xã và tiện thể hỏi han bà con chòm xóm khi xưa.

XHH 10B.jpg
Đường giao thông qua trung tâm huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: VĂN PHONG

Sở dĩ nói Đất Đỏ là vùng đất cách mạng bởi nơi đây, tròn 90 năm trước, năm 1934, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã được thành lập tại nhà của ông Trần Bá Thiên ở xã Phước Hải (nay là thị trấn Phước Hải). Suốt từ đó, phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ và đã ghi danh những anh hùng liệt sĩ nổi tiếng cả nước như: Võ Thị Sáu, Châu Văn Biếc, Nguyễn Thị Đẹp và nhiều người khác. Anh Nguyễn Văn Thắng, một người con của huyện Đất Đỏ, chia sẻ, ngày 27-7 hàng năm như một ngày giỗ lớn của cả huyện.

Ở đây, 10 gia đình thì có 7-8 gia đình có anh em, họ hàng là liệt sĩ, chiến sĩ tham gia cách mạng. Với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, vào ngày này, mọi người quê Đất Đỏ hoặc từng chiến đấu ở căn cứ Minh Đạm đang sinh sống ở Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương đã tụ hội về dâng hương, dâng hoa, viếng đền thờ liệt sĩ. Huyện có 8 xã, thị trấn thì có đến 6 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 315 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.455 liệt sĩ, 136 thương binh, 81 bệnh binh và 7 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chăm sóc tốt cho người có công

Theo thống kê, toàn huyện Đất Đỏ có 3.665 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, chiếm khoảng 4,06% dân số của huyện. Tính đến tháng 6-2024, toàn huyện có 525 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng với số tiền hơn 1 tỷ đồng/tháng và đều nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng. Hàng năm, huyện tổ chức nhiều đoàn đi thăm, tặng quà cho người có công, gia đình chính sách trên địa bàn huyện nhân kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước và công tác điều dưỡng, phục hồi sức khỏe hàng năm cho người có công, thân nhân người có công cũng được quan tâm thực hiện đầy đủ.

UBND các xã, thị trấn đã vận động nhân dân đóng góp ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền 1,37 tỷ đồng, qua đó đã hỗ trợ 141 đối tượng người có công cách mạng bị bệnh, có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 241 triệu đồng và xây tặng 2 căn nhà tình nghĩa cho người có công cách mạng, với số tiền 300 triệu đồng. Nhằm động viên tinh thần cho gia đình người có công cách mạng, lạc quan vượt qua khó khăn trong cuộc sống, sống vui, sống khỏe, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn thành lập “Tổ phụ nữ đền ơn đáp nghĩa”, định kỳ 2 lần/ tháng tổ chức đến nhà quét dọn, vệ sinh nhà cửa cho gia đình chính sách neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn.

Dịp 27-7 năm nay, ông Nguyễn Trí Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần SX-TM-DV Trí Hải dành 600 phần quà (mỗi suất trị giá 400.000 đồng) tặng các gia đình khó khăn, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Đất Đỏ và Long Điền. Tiếp nối truyền thống của những người đi trước, Hội Cựu chiến binh huyện Đất Đỏ cũng thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại các trường học trên địa bàn.

Ông Võ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, cho biết thêm, ngoài công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, huyện cũng thực hiện tốt việc chăm sóc mộ và công trình ghi công liệt sĩ để qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước đối với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Huyện đã thực hiện chỉnh trang, nâng cấp, sửa chữa Nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Đất Đỏ - Long Điền, sửa chữa đền liệt sĩ Minh Đạm; xây dựng lại đền liệt sĩ xã Lộc An với tổng kinh phí hơn 54,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 8,7 tỷ đồng để sửa chữa Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đất Đỏ - Long Điền.

Tin cùng chuyên mục