10 năm Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức cuộc thi “Prudential - Văn hay chữ tốt”

Đất đã nở hoa!

Ngày 15-11, Báo SGGP, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” năm 2009 với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam. Đến dự lễ trao giải có Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà.
Đất đã nở hoa!

Ngày 15-11, Báo SGGP, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” năm 2009 với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam. Đến dự lễ trao giải có Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà: Thành phố sẽ bồi dưỡng học sinh đoạt giải

Tôi rất xúc động khi có mặt trong lễ trao giải hôm nay, dù đã nhiều lần tôi tham dự. “Nét chữ, nết người”, cuộc thi “Prudential – VHCT” đã góp sức cho ngành giáo dục rèn luyện cho học sinh kỹ năng viết văn, bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách cũng như tình yêu gia đình, đất nước. Những HS đoạt giải là “vốn quý” cần được trân trọng và tạo điều kiện phát triển, nhất là khi thành phố đang rất cần nhân tài trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, xã hội nhân văn. Sau cột mốc 10 năm, cuộc thi cần phát triển thêm về chiều sâu. Các em đoạt giải có tố chất, tiềm năng sẽ được đưa vào chương trình đào tạo nguồn nhân lực của TP.

Bãi giữ xe ở Nhà Văn hóa Thanh niên đông nghẹt phụ huynh học sinh (PHHS), bạn bè và thầy cô giáo với những chú gấu bông, những món quà xinh xắn và những bó hoa cầm trên tay chúc mừng các thí sinh (TS) nhận giải cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” năm 2009.

Ở phía bên kia đường, Ban giám hiệu Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 dẫn “đội hình hoành tráng” mang theo 4 thùng nước ngọt cũng đang lục tục kéo vào cổng. Năm nay, trường có đến 2 TS đoạt giải (giải ba và giải khuyến khích), trong đó em Trần Ngọc Mỹ Linh hai lần nhận giải (giải nhì khối 6 - 7 năm 2008 và giải ba khối 8 - 9 năm 2009). “Và năm sau, Mỹ Linh sẽ tiếp tục tham dự cuộc thi” - cô Việt Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, khẳng định.

Ở tuổi lên 10, cuộc thi đã trở thành một “thương hiệu” truyền niềm cảm hứng thu hút các trường. Cô Nguyễn Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Gò Vấp), chia sẻ: Năm học nào trường cũng đều lên kế hoạch phát hiện HS có năng khiếu để bồi dưỡng. Chúng tôi xem “Prudential – Văn hay chữ tốt” là sân chơi bổ ích nên luôn khuyến khích HS tham dự “hết mình”. Và sau mỗi cuộc thi, cả giáo viên, HS của trường đều háo hức chờ kết quả. Riêng bản thân tôi có một kỷ niệm sâu sắc với cuộc thi. Năm 2000, năm đầu tiên tôi về trường, Ban giám hiệu phân công tôi bồi dưỡng văn cho các em đi thi. Năm đó, trường có HS đoạt giải nhất. Những bài báo, bài văn xúc động của “lần đầu tiên” ấy, tôi còn giữ đến giờ”.

Trên sân khấu, các nghệ sĩ múa minh họa theo nội dung của 2 bài văn giải nhất khiến nhiều khán giả lặng người đi, bất ngờ trước những cảm nhận sâu sắc nhưng trong sáng, chững chạc mà hồn nhiên. Thầy Trần Nguyên Linh, giáo viên tiểu học Trường Bình Quới Tây, Bình Thạnh, tuy ở ngoài phạm vi “phủ sóng” của cuộc thi, không có trò thân quen đoạt giải nhưng “nghe tiếng” cuộc thi, thầy cũng tìm đến. Thầy còn tranh thủ chở thêm 2 HS gần nhà trên chiếc xe “cà tàng” của mình. Giọng tiếc rẻ, thầy nói: “Nếu có thể, tôi sẽ chở thêm nhiều HS nữa. Có dự lễ trao giải hôm nay mới thấy thấm thía thông điệp cuộc thi chú trọng đến giá trị nhân bản, nhất là rèn cách viết, nét chữ là nết người cho các em. Nhiều HS thời IT (công nghệ thông tin) cầm viết sai, viết chữ không đẹp vì quen với bàn phím, con chuột.

Cô giáo và bạn học tặng hoa chúc mừng Nguyễn Thị Thảo Ngân, đoạt giải nhất khối 8 - 9 cuộc thi "Prudential - Văn hay chữ tốt" năm 2009. Ảnh: Mai Hải

Cô giáo và bạn học tặng hoa chúc mừng Nguyễn Thị Thảo Ngân, đoạt giải nhất khối 8 - 9 cuộc thi "Prudential - Văn hay chữ tốt" năm 2009. Ảnh: Mai Hải

Hòa cùng niềm hạnh phúc với những TS chiến thắng, ông Lê Thành Đại, Phó Tổng biên tập Báo SGGP, nhấn mạnh: “Trong thời đại khoa học kỹ thuật, việc rèn chữ viết cho HS trong nhà trường phổ thông dường như có lúc ít được quan tâm. Chúng tôi thật sự xúc động vì số HS tham gia cuộc thi ngày càng đông, các bài thi đoạt giải không chỉ đẹp về nét chữ mà còn phong phú trong tư duy văn học, chứng tỏ các em có một tiềm năng văn học rất lớn”.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hoài Chương khẳng định: “14 HS có mặt trong lễ trao giải hết sức xứng đáng khi các em đã vượt qua hơn 300.000 HS khác. Kết quả cuộc thi đọng lại ở những bài văn xuất sắc của các em. Đó là phần thưởng không gì so sánh được”. Ông Chương còn bày tỏ tình cảm trân trọng đối với Báo SGGP, nhà tài trợ Prudential Việt Nam đã đồng hành cùng ngành GD-ĐT 10 năm qua trong phong trào rèn chữ, rèn văn. Còn theo ông Jack Howell, Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam, từ sân chơi này, nhiều thế hệ HS trưởng thành và gặt hái nhiều thành công đã là “phần thưởng cao quý mà nhà tài trợ nhận được từ cuộc thi.

Những HS đoạt giải cao như Thảo Ngân, Xuân Chiêu, Kim Phụng, Thùy Khanh… không mơ thành nhà văn chuyên nghiệp mà muốn trở thành nhà kinh doanh, nhà báo hoặc luật sư. Nhưng “đam mê và giỏi văn chương không hề thua thiệt mà còn là nền tảng giúp ích cho công việc sau này phát triển nhiều hơn”, như khẳng định của các em. Và dưới ánh đèn sân khấu, “cổ động viên” Nguyễn Việt Hà, THCS Phước Bình, quận 9, đang say sưa đọc “Hạt giống tâm hồn” mà người bạn cùng lớp vừa cho cậu mượn. “Muốn giỏi văn, phải bắt đầu bằng việc đọc sách trước”, là lời nhắn gửi của giải nhất Xuân Chiêu đến các bạn có mặt trong lễ trao giải đã có hiệu ứng tích cực…

Ở khối 8 - 9, giải nhất: Nguyễn Thị Thảo Ngân (lớp 9A2, Trường THCS Hồng Bàng, quận 5). Giải nhì: Lê Thùy Khanh (Trung học Thực hành Sài Gòn, quận 5). Hai giải ba: Lê Trúc Anh (THCS Nguyễn Du, Gò Vấp); Trần Ngọc Mỹ Linh (THCS Lê Quý Đôn, quận 3). Ba giải khuyến khích: Phạm Hồng Ngọc (THCS Phước Bình, quận 9); Trần Lê Minh Trúc (THCS Lê Văn Tám, Bình Thạnh); Lê Phúc Duy An (THCS Đặng Trần Côn, Tân Phú).

Ở khối 6 - 7, giải nhất: Nguyễn Hoàng Xuân Chiêu (lớp 7A9 Trường THCS Trần Quốc Toản). Giải nhì: Nguyễn Ngọc Kim Phụng (THCS Độc Lập, Phú Nhuận). Hai giải ba: Phan Thị Thanh Tuyền (THCS Nguyễn Du, Gò Vấp); Trần Vũ Thư (THCS Colette, quận 3). Ba giải khuyến khích: Nguyễn Hoàng Xuân Nhi (THCS Nguyễn An Khương, Hóc Môn); Vũ Nguyễn Đan Vy (THCS Lê Quý Đôn, quận 3); Phạm Thu Giáng Hương (THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7).

DOANH DOANH – TIÊU HÀ


Khơi dòng...

1. Tôi dò tìm trong danh sách 14 thí sinh (TS) đoạt giải “Prudential – Văn hay chữ tốt (VHCT)” lần thứ 10. Không có tên em Ngô Thị Trúc Mai, quận 2. Thoáng buồn khi nghĩ đến cô bé có niềm đam mê văn học cháy bỏng! Trước ngày thi, Trúc Mai bị đặt trước 2 sự chọn lựa khó khăn: thi VHCT hay chạy điền kinh? Cả 2 cuộc thi này diễn ra cùng ngày và đều có tính quan trọng như nhau.

Bà Trần Thị Ngọc Lệ, mẹ của Trúc Mai, nhớ lại: “Trúc Mai vừa đoạt giải nhì cuộc thi điền kinh cấp quận. Nếu tôi ham tiền thì đã ép con thi chạy rồi, vì nếu có giải, mỗi tháng cháu sẽ được lãnh 700.000 đồng. Tương lai sẽ càng rộng mở hơn nếu cháu trở thành vận động viên quốc gia”. Nhưng, bà để cô con gái tự quyết định. Cuối cùng, khi Trúc Mai chọn cuộc thi “Prudential – VHCT”, bà vẫn ủng hộ con bằng cách đi “tiền trạm” từ quận 2 xuống địa điểm thi chung kết (Trường THCS Lê Quý Đôn quận 3) để ước lượng đoạn đường đưa con đi thi bao xa. Bà ngồi ngoài hội đồng thi đợi con làm bài, như thủ thỉ cùng con: “Đường chạy thì ngắn nhưng đường đến với con chữ lại dài bằng cả đời người”…

Lại nhớ ở cuộc thi năm 2008, cũng ở ghế đá sân trường quận 3 này, tôi đã lắng nghe “tình yêu dành cho bộ môn văn” của em Nguyễn Thị Quỳnh Như, giải nhất cuộc thi “Học sinh giỏi máy tính cầm tay” của quận Bình Tân, để hiểu hơn việc em chọn cuộc thi VHCT, chứ không tham dự kỳ thi máy tính – một kỳ thi có điểm thưởng cuối cấp, nếu đoạt giải. Một kết thúc “không có hậu” cho Trúc Mai, Quỳnh Như và những học sinh (HS) giỏi khác khi phải đứng trước tình huống “tiến thoái lưỡng nan”. Dù không được mỉm cười đứng trên bục nhận giải thưởng nhưng các em đã là người chiến thắng – là chiến thắng của tình cảm phong phú, trí tưởng tượng, hoài bão mà các em gửi gắm vào bài viết, là chiến thắng của một niềm tin vào giá trị bản thân.

2. HS đoạt giải “Prudential – VHCT” không được cộng điểm thưởng, trường có giải cũng không được tăng hạng thi đua. Nhưng trường nào cũng dốc sức dốc lòng chăm lo cho cuộc thi vô vụ lợi. Từ chuyện cô chuyên viên văn quận 11 “phàn nàn” với ban tổ chức “Em ơi, sao treo băng rôn quá cao để nhiều người không biết sắp có cuộc thi nên các thầy cô hỏi sao “đến hẹn chưa thấy lên”! Ngày mốt là diễn ra vòng thi cấp quận rồi, em kêu người xuống treo lại băng rôn nha!”; đến chuyện giáo viên hết lòng “truyền lửa” cho trò bất kể điều kiện cơ sở vật chất khó khăn.

Em Nguyễn Hồng Nhật Tân, Trường THCS Hưng Phú A quận 8, giải nhất năm 2007, phải học bồi dưỡng văn trong căn phòng tạm bợ, nắng nóng, mưa dột. Rồi đến những chuyến xe đưa rước HS đi thi chu đáo (ở vòng chung kết, mỗi quận, huyện chỉ có 4 TS tham dự), dù có đơn vị chưa bao giờ đoạt giải.

Năm nay, huyện Nhà Bè tiếp tục truyền thống chăm lo cho HS như thế, nhưng cái xe rộng càng rộng hơn khi chỉ chở có 2 trò. Hai trò còn lại bị say xe nên được 2 cô giáo dạy văn “đèo” đi… Cuộc thi đã làm tình nghĩa thầy trò sáng lung linh hơn bao giờ hết.

3. Lê Nguyễn Thùy Trang, giải nhất cuộc thi năm 2000, ngày nào giờ đã trở thành một cô phóng viên xông xáo. Trang bồi hồi nhớ lại: “Nhờ đoạt giải “Prudential – VHCT”, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, thêm đôi cánh tự tin để bay đến những ước mơ của mình. Hành trình đi tới còn rất dài nhưng mỗi khi nhìn lại tôi không thể nào quên cuộc thi. “Prudential – VHCT” đánh dấu một quá trình tôi trưởng thành hơn về tình yêu dành cho quê hương mình”.

Năm 2006, trong lễ trao giải chung kết khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Tiền Giang, từ TPHCM, em Nguyễn Quốc Tấn Trung, giải nhất khu vực ĐBSCL 2005 và mẹ đã về tham dự. Thật là một bất ngờ cho ban tổ chức khi nghe lời tâm sự đầy xúc động của bà Võ Thị Ánh Ngọc, mẹ của Trung: Gia đình tôi rất mang ơn cuộc thi đã làm chuyển biến suy nghĩ và tình cảm của cháu, khi trước đây, cháu học văn chủ yếu để đủ điểm công nhận là HS giỏi. Dù Trung đã đậu vào lớp chuyên toán của tỉnh Tiền Giang nhưng cháu đã quyết định chọn lớp chuyên văn của Trường Phổ thông Năng khiếu (TPHCM) để giữ gìn đến cùng danh hiệu “văn hay, chữ tốt”. Theo Trung, giỏi toán, lý là “chuyện nhỏ” mà viết văn hay với nét chữ đẹp mới thật sự là chuyện khó. Bây giờ, Tấn Trung đã vào đại học, em vẫn giữ thói quen chuyên cần rèn luyện nhiều, tập viết nhiều.

Mỗi năm, “Prudential – VHCT” thu hút hơn nửa triệu HS TPHCM và các tỉnh miền Tây tham dự. Đáng mừng là cuộc thi không chỉ giúp các em nhìn nhận rõ hơn về vai trò của rèn văn, luyện chữ trong nhà trường mà còn giáo dục nhân cách, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước. Trong suốt 10 năm “biết bao nhiêu tình” ấy, “Prudential – VHCT” đã vượt qua mục đích ban đầu: chỉ là một sân chơi cho HS bậc THCS. Cuộc thi âm thầm khơi dòng cảm xúc, truyền lửa cho thầy trò “tôi yêu tiếng nước tôi”, yêu gia đình, trường lớp, quê hương. Một thập niên không dài là bao so với sự nghiệp trăm năm trồng người nhưng từ cuộc thi này, môn văn trong nhà trường và xã hội đã, đang và sẽ chiếm một vị trí xứng đáng hơn, quan trọng hơn.

Một khi cảm xúc được khơi dòng, lan tỏa âm thầm nhưng mạnh mẽ, những nỗi niềm “cười mà đau” với những bài văn rợn tóc gáy, những bất lực trước thực tế nhiều HS lơ là với văn học, với lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn sẽ chỉ là hoài niệm.

Hồng Liên

Tin cùng chuyên mục