Nhắc đến những bệnh nhân được đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng, ông Trần Thanh Hồng, Giám đốc Trung tâm xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xúc động kể: “Trong 560 bệnh nhân tâm thần, khuyết tật đang được chúng tôi chăm sóc thì có đến 130 người không nhớ nổi cái tên của mình, 28 người khác bị tâm thần phân liệt, chỉ nằm một chỗ la hét. Những đôi mắt thất thần, những gương mặt ngờ nghệch ấy khiến chúng tôi trăn trở, bởi họ cần luôn chúng tôi chăm sóc”.
Theo ông Hồng, những người bệnh này thoạt nhìn cứ nghĩ họ không biết gì, nhưng từ trong sâu thẳm, họ vẫn có nhu cầu được chăm sóc, được yêu thương. “Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là người yếu thế. Học Bác, cán bộ, công nhân viên tại trung tâm luôn tận tâm giúp đỡ người bệnh” ông Hồng chia sẻ và kể thêm, rất nhiều lần, nhân viên trung tâm bị người bệnh bất ngờ tấn công, mặc dù trước đó họ vẫn nói chuyện bình thường. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên ở đây không một lời kêu ca, cứ âm thầm lặng lẽ chăm sóc người bệnh như những người thân của mình.
Với suy nghĩ, xem người bệnh như người nhà của mình, đội ngũ thầy thuốc mặc áo lính tại Bệnh viện Quân dân y tỉnh Bạc Liêu luôn tạo cho bệnh nhân cảm giác an tâm khi điều trị tại đây. Chia sẻ tại buổi giao lưu, Thiếu tá Mã Hồng Anh, Giám đốc bệnh viện, cho biết bên cạnh giải pháp chữa trị bằng thuốc, đội ngũ y bác sĩ rất quan tâm đến “liệu pháp tinh thần” khi thường xuyên thăm hỏi, an ủi, động viên người bệnh để họ phần nào vơi bớt nỗi đau, lo toan bệnh tật. “Học tập Bác, chúng tôi xây dựng hình ảnh người thầy thuốc quân y tận tâm, niềm nở, chu đáo, nghĩa tình. Có như vậy, người bệnh sẽ có thêm niềm tin vào y đức”, Thiếu tá Mã Hồng Anh chia sẻ.
Ở một khía cạnh đóng góp khác, bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ tỉnh Bình Phước) đã hiến đất với diện tích lớn để làm đường mà không đắn đo, suy tính. Bà Hoa kể, khi bà tự nguyện tháo bỏ hoàn toàn căn nhà đang ở để hiến đất làm đường dù đang trong thời buổi tấc đất tấc vàng, nhiều người cho rằng bà bị điên. Nhưng qua thời gian, việc làm của bà đã được thấu hiểu, cảm phục.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, bà Hoa tâm sự bà hành động như vậy không vì thành tích hay để được tuyên dương, mà chỉ muốn lan truyền ngọn lửa thiện nguyện, vì lợi ích cộng đồng đến mọi người. “Bác Hồ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho dân tộc mà không hề nghĩ suy thiệt hơn. Tôi học Bác việc gì có thể tốt cho xã hội thì cố gắng làm. Chỉ vậy thôi”, bà Hoa bộc bạch.