Đặt bài toán ngược, tìm giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội TPHCM

Sáng 24-8, UBND TPHCM tổ chức hội thảo tham vấn định hướng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2026 - 2030. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì.

1.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tìm cách thoát bẫy thu nhập trung bình

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dẫn nhận định của nhiều tổ chức, chuyên gia và thông tin, Việt Nam còn 10 năm nữa để quyết định việc có thể vượt lên được bẫy thu nhập trung bình hay không. Do đó, TP cần hoạch định những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp về kinh tế - xã hội đến năm 2030. Đây vừa là thực hiện nhiệm vụ của một nhiệm kỳ, nhưng đặt nền tảng để thành phố phát triển đến năm 2035, góp phần cùng cả nước vượt bẫy thu nhập trung bình.

Đồng chí mong muốn các đại biểu góp ý, hiến kế về những giải pháp để hoàn thành mục tiêu của nhiệm kỳ, cũng như gỡ các điểm nghẽn chiến lược, cơ bản, tập trung tháo gỡ để phát triển cho nhiệm kỳ tới.

9.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho rằng muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì phải tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất lao động của TPHCM giảm, thấp hơn mức của cả nước và đang ở mức bão hòa, nếu không có động lực đủ mạnh thì không thể tăng năng suất.

Cục trưởng Cục Thống kê đề nghị cần sớm tái cơ cấu lại các khu chế xuất, khu công nghiệp, kêu gọi những doanh nghiệp đầu đàn, đánh giá lại các ngành công nghiệp trọng điểm. Đồng thời, cần ưu tiên các ngành công nghiệp trọng điểm còn dư địa tăng trưởng như thương mại, logistics, công nghiệp văn hóa, trung tâm tài chính, du lịch, y tế và giáo dục.

4.jpg
Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM Nguyễn Khắc Hoàng thảo luận tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam tính toán, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, TPHCM cần phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế từ 9-9,5%. Muốn đạt mức tăng trưởng này, công nghiệp phải là mặt trận hàng đầu.

Thế nhưng, cấu trúc kinh tế của TPHCM có dấu hiệu rõ sự suy giảm sản xuất công nghiệp, cho nên thành phố cần tập trung phát triển công nghiệp. Trong đó, công nghệ phải nằm ở trung tâm của sự phát triển, nhất là các công nghệ có tính đột phá như AI, năng lượng...

Nhận định, trong 5-10 năm tới, AI sẽ làm thay đổi diện mạo của các thành phố, TS Vũ Thành Tự Anh đề nghị TPHCM có chiến lược về AI một cách mạch lạc. Bên cạnh đó, có chiến lược về ngoại giao tập đoàn để kéo các tập đoàn lớn về và tập trung phát huy vai trò của đầu tư tư nhân.

0j.jpg
TS Vũ Thành Tự Anh thảo luận tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hội thảo chia thành 5 tổ với 5 lĩnh vực, chủ đề để thảo luận. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì tổ thảo luận lĩnh vực “Kinh tế, đầu tư công, huy động vốn đầu tư xã hội”; chủ đề “Hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy” do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Ngọc Hải chủ trì; chủ đề “Động lực tăng trưởng mới” do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chủ trì. Nhóm lĩnh vực “Quy hoạch, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng” do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường chủ trì; lĩnh vực “Văn hóa, xã hội, phát triển nguồn nhân lực” do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy chủ trì.

Cần thể chế vượt trội

Thảo luận về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đề nghị tập trung vào các mục tiêu tại Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đề ra. Từ đó, trở lại giải các bài toán phát triển TPHCM trong giai đoạn 2026-2030 đáp ứng các mục tiêu đó với 3 quan điểm lớn là “Tận dụng thời cơ - khai thác nguồn lực - tăng trưởng nhanh, bền vững”. Tức là tiếp cận theo bài toán ngược để định hình chính sách và giải pháp phát triển, vừa giải quyết có hiệu quả những vấn đề đang tồn tại, vừa tạo nền tảng cho việc xây dựng thành phố toàn cầu, ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới.

3.jpg
TS Trần Du Lịch thảo luận tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

TS Trần Du Lịch cũng phân tích, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 có thể không đạt, nhưng TPHCM đã tập trung giải quyết được những nhân tố mang tính đột phá, tạo động lực phát triển bền vững, nhất là khung thể chế và kết cấu hạ tầng. Việc này tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn, hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Trong 5 năm tới, theo TS Trần Du Lịch, TPHCM cần tận dụng lợi thế về ổn định chính trị và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thu hút đầu tư, kích thích tăng trưởng. Đồng thời, tập trung chỉnh trang và phát triển đô thị, xử lý toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, chỉnh trang các khu dân cư ở nơi thiếu an toàn và không gian sống.

Bên cạnh đó, tập trung đề xuất cơ chế đặc thù để đẩy nhanh đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó trọng tâm là triển khai xây dựng 183km đường sắt đô thị; hoàn thiện thể chế quản lý hướng tới mô hình chính quyền đô thị hiệu lực, hiệu quả… “Phải đổi mới tư duy, giải bài toán ngược với cơ chế khác, cách làm khác thì mới đạt kỳ vọng tầm nhìn phát triển đến năm 2045”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm này, TS Vũ Thành Tự Anh nhận định mô hình tăng trưởng của TPHCM không còn nhiều động lực và chạm vào ngưỡng phát triển. Do đó, TP không chỉ chú trọng mô hình tăng trưởng kinh tế mà phải bao gồm các chỉ tiêu khác về môi trường, xã hội. Đặc biệt là gỡ các nút thắt về thể chế, cố gắng giải bài toán ngược theo mục tiêu Nghị quyết 31. Cụ thể, cần xác định được các động lực phát triển quan trọng, từ đó giải ngược bài toán xem cần thay đổi gì về thể chế, giải phóng các điều kiện thực thi để khi thực hiện sẽ tạo sự chủ động trong triển khai.

9a.jpg
PGS-TS Trần Hoàng Ngân thảo luận tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phân tích thêm, PSG-TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, điều quan trọng nhất để TPHCM phát triển thời gian tới là phải có thể chế vượt trội, công khai, minh bạch. Cụ thể, PGS Trần Hoàng Ngân kỳ vọng sớm có Luật Đô thị đặc biệt.

Về phía địa phương, TPHCM cần tập trung phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt là tận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy vai trò doanh nghiệp nhà nước dẫn dắt thị trường.

“Nếu tạo được thể chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, cộng với nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm sóc y tế tốt, tình hình an ninh chính trị ổn định, trật tự xã hội an toàn thì việc đầu tư vào TPHCM sẽ vượt trội ngay”, PSG-TS Trần Hoàng Ngân phân tích và đề nghị TPHCM tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư kết cấu hạ tầng để làm bệ phóng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030.

Giữ mục tiêu tăng trưởng 9%

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, những ý kiến của các chuyên gia có ý nghĩa rất quan trọng để TPHCM tiếp thu trong quá trình chuẩn bị văn kiện về kinh tế - xã hội của thành phố trình Đại hội XII của Đảng bộ TPHCM. TPHCM tiếp tục lắng nghe, tham khảo ý kiến chuyên gia để xây dựng văn kiện tốt nhất, đặt ra mục tiêu đủ thách thức để thành phố đi tiên phong, góp phần cùng cả nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Đồng chí cũng đề nghị các sở ngành, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện văn kiện kinh tế - xã hội, trên tinh thần từng câu trong văn kiện phải là một nhiệm vụ và được đảm bảo bởi những điều kiện thực hiện để tính khả thi cao nhất.

9b.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cảm ơn các chuyên gia tham dự hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, giai đoạn 2025-2030, TPHCM kiên trì với mức tăng trưởng kinh tế - xã hội khoảng 9%. Như vậy, thành phố phải tiến hành hàng loạt nhiệm vụ, công việc. Muốn vậy, phải có một thể chế phù hợp, cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, nâng cao năng lực hấp thụ vốn đầu tư thông qua cải cách mạnh mẽ của bộ máy, đội ngũ.

Bên cạnh đó là tái cơ cấu nền kinh tế của thành phố theo hướng công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Đồng thời, chọn trọng tâm, công việc, dự án cụ thể để tập trung thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ và cho nhiệm kỳ kế tiếp.

Đánh giá nhiệm vụ giai đoạn tới rất thách thức với thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM nhận xét cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ, xác định các trọng tâm và có giải pháp đột phá, đồng bộ mới đạt được kết quả như kỳ vọng. Song, đồng chí tin tưởng, TPHCM có đủ điều kiện để thực hiện những mục tiêu đã đề ra.

6.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy chủ trì tổ thảo luận lĩnh vực “Văn hóa, xã hội, phát triển nguồn nhân lực”

PGS-TS Võ Trí Hảo, chuyên gia cao cấp Viện Pháp luật quốc tế và so sánh, Trường Đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TPHCM:

TPHCM cần tập trung vào thế mạnh là y tế, giáo dục, tài chính, cần xây dựng cơ chế huy động nguồn lực tài chính lợi nhuận cao, rủi ro thấp. Muốn biến TPHCM thành trung tâm tài chính thì phải giải quyết được câu chuyện về rủi ro cho nhà đầu tư. Nghĩa là thành phố phải làm thế nào để nhà đầu tư nhìn thấy được hiệu quả, giảm rủi ro để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cần có hoàn thiện thể chế thu hút nhà đầu tư, vấn đề này nằm ngoài thẩm quyền của thành phố nhưng TPHCM có thể đề xuất thành lập khu thương mại tự do để thu hút đầu tư tài chính.

TS Thái Thị Tuyết Dung, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM:

TPHCM là 1 trong 30 siêu đô thị trên thế giới. Một số siêu đô thị như ở Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia đã có chính sách đặc thù cho siêu đô thị, nhưng TPHCM chưa có. Để định hướng lâu dài nên có luật tổ chức chính quyền đô thị, hoặc luật đô thị đặc biệt dành cho TPHCM. Trong đó, cần quy định về cấu trúc tổ chức chính quyền; nguyên tắc phân cấp ủy quyền; chính sách quản lý đô thị; huy động nguồn lực; liên kết phát triển vùng; thí điểm các mô hình tổ chức của đô thị. Đặc biệt là cần phân cấp ủy quyền mạnh hơn.

PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang:

Trong các định hướng phát triển của TPHCM, nội dung cần chú trọng phải là thành phố đáng sống. Với thành phố đáng sống phải đặt vấn đề về môi trường và phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, có mục tiêu, tầm nhìn cụ thể. Đó là TPHCM có mức bảo vệ môi trường sống cao hơn mức phát triển kinh tế, đảm bảo điều kiện môi trường bằng hoặc tốt hơn các thành phố có cùng mức phát triển kinh tế. Đó là ưu tiên giải quyết vấn đề ngập nước, phát thải… Các trường đại học là những nơi có thể đồng hành, đóng góp cho TPHCM các giải pháp về khoa học công nghệ, về nguồn lực.

Tin cùng chuyên mục