Sổ tay

Đặt ảnh đại diện với logo “Tự hào một dải non sông”

Mấy hôm nay có một sự kiện thu hút rất đông sự chú ý của giới trẻ cả nước, là việc hàng chục ngàn đoàn viên đã để ảnh đại diện trên trang mạng cá nhân với logo: “Tự hào một dải non sông”.

Đặt ảnh đại diện với logo “Tự hào một dải non sông”

“Tự hào một dải non sông” là cuộc vận động của Trung ương Đoàn được triển khai rộng khắp trong và ngoài nước thông qua việc sử dụng bản đồ Việt Nam tại các không gian học tập, làm việc và sinh hoạt cộng đồng của thanh thiếu nhi và người dân Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức về chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Còn nhớ hơn 10 năm trước, khi rộ lên thông tin mạnh mẽ về bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, một kỹ sư người Việt ở Mỹ là anh Trần Thắng đã bằng mọi cách mua cho được những tấm bản đồ cổ có giá trị sử liệu cao. Khi vừa phát hiện ra những tấm bản đồ nói trên, dù là đầu tuần nhưng anh Thắng đã xin nghỉ phép ở công ty để vội vã lái xe hơn 4 giờ đồng hồ từ Connecticut lên New York để tận mắt nhìn thấy những tấm bản đồ Trung Hoa mà cực Nam của nó giới hạn tới đảo Hải Nam, không hề có in Hoàng Sa và Trường Sa trong vòng lãnh giới chủ quyền của họ. Sau đó, anh đã dốc túi hàng ngàn USD để mua ngay những tấm bản đồ để tặng lại cho Tổ quốc.

Một người Việt khác ở Italy mà tôi có cơ duyên được biết và viết - kỹ sư Trần Doãn Trang, làm việc cho hãng xe hơi Fiat. Nhiều năm trước, khi biết trong những thư viện cổ kính của các dòng tu ở Italy có khá nhiều sách của các giáo sĩ phương Tây từ vài thế kỷ trước, đã viết rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền An Nam, anh Trần Doãn Trang đã lặng lẽ gõ cửa nhiều tu viện để rồi ứa nước mắt khi tìm thấy cuốn sách Compendio di Geografia (Địa lý thế giới) của nhà nghiên cứu địa lý lừng danh Adriano Balbi, được xuất bản gần 200 năm về trước.

“Tôi mở bung những bản đồ kèm theo để ngắm hình dáng những quốc gia của thế giới 200 năm về trước. Cứ thế lật từng trang, cho đến trang 437: Vương quốc An Nam. Ở nửa hàng gần cuối đoạn, cái dấu vết nhỏ bé mà tôi đang đi tìm hiện rõ mồn một: Quần đảo Hoàng Sa thuộc về Vương quốc An Nam”, anh Trần Doãn Trang đã chia sẻ niềm xúc động thiêng liêng khi tìm thấy những dòng chữ như thế với chúng tôi.

Lòng yêu nước của người Việt đã được minh chứng qua hàng ngàn năm lịch sử. Vì thế, việc dấy lên một phong trào sử dụng bản đồ Việt Nam rộng khắp và được khởi đầu từ những người trẻ là một tín hiệu vui trước thềm năm mới 2024.

Tin cùng chuyên mục