Chính phủ Australia có kế hoạch đầy tham vọng để thu hút đầu tư vào vùng lãnh thổ này, với nhiều dự án, cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các đối tác nước ngoài.
Bản đồ cho thấy vì sao Darwin là cửa ngõ vào châu Á của Australia
Chiến lược đầu tư về phía Bắc
Miền Bắc Australia bao gồm toàn bộ lãnh thổ phương Bắc cùng các khu vực thuộc bang Queensland và bang Tây Australia. Mặc dù chỉ chiếm 5% dân số trong tổng số 24 triệu dân Australia, nhưng khu vực này chiếm tới 40% diện tích Australia, vốn đứng thứ 6 trên thế giới về diện tích và chiếm tới 90% trữ lượng khí đốt tự nhiên của Australia. Vùng này có khoảng 17 triệu ha đất nông nghiệp.
Chính sự chênh lệch quá lớn giữa dân số giữa miền Bắc và miền Nam, chính phủ Australia đang chuyển trọng tâm chính sách phát triển, dẫn dắt tăng trưởng về phía Bắc để giảm áp lực lên các thành phố lớn ở phía Nam như Sydney, Melbourne… Chính phủ đã duyệt chi khoản ngân sách 11 tỷ dollar Australia (tương đương 8,3 tỷ USD) đầu tư cho các dự án nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, tại khu vực miền Bắc.
Để có nguồn lực về phía Bắc đã từng bị lãng quên trong một thời gian dài, Australia không thể bỏ qua tầm quan trọng của lực lượng người nhập cư. Chính vì vậy, chính sách nhập cư và đầu tư vào vùng Lãnh thổ Bắc Australia (Northern Territory - NT) từ Nam và Đông Nam Á đang đóng một vai trò quan trọng. Điều này lý giải tại sao NT nói chung, hay Darwin nói riêng, đang được đánh giá là khu vực có được chính sách nhập cư dễ dàng nhất Australia.
Canberra có một số chính sách ưu tiên lớn, một trong số đó là khi du học sinh tốt nghiệp tại Darwin sẽ được ưu tiên cộng thêm 5 điểm vào thang điểm tính định cư cho người nước ngoài tại Australia. Chị Thanh T., một doanh nhân có công ty khai thuế và tư vấn đầu tư Vita Gustafson ở Darwin cho biết, chính sách này đã thu hút rất nhiều người Việt Nam chọn di cư sang vùng NT.
Không chỉ nằm trong chiến lược phát triển kinh tế, Chính phủ Australia đang xem đây là khu vực cần được bảo vệ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực. Người Mỹ cũng chọn thành phố Darwin - vùng đất cực Bắc Australia - để thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á. Nhóm đầu tiên trong số 1.250 lính thủy quân lục chiến Mỹ ngày 18-4 đã tới Darwin trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng leo thang. Lực lượng Mỹ sẽ ở lại NT trong vòng 6 tháng để tham gia các cuộc tập trận, huấn luyện và trao đổi kinh nghiệm với quân đội địa phương. Điều này cho thấy Mỹ xem đây là một khu vực quan trọng. Darwin là một trung tâm bảo vệ then chốt không thể thiếu cho cả lợi ích an ninh của Australia và Mỹ.
Một “châu Á thu nhỏ” tại Australia
Nằm bên cạnh biển Timor, Darwin là thành phố lớn nhất và là thủ phủ của NT. Tuy nhiên, vì là “cửa ngõ” vào châu Á của Australia và gần với Đông Nam Á nhất, Darwin đóng vai trò trung tâm của NT và cùng với NT đang là một phần trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế hiện nay của Chính phủ Australia.
Về cơ bản, 88% đất nông nghiệp hiện nay vẫn thuộc về người Australia. Chỉ có 12% (tương đương 50 triệu ha) đất nông nghiệp của Australia thuộc về một số chủ sở hữu nước ngoài, chủ yếu nằm ở NT và Queensland - hai vùng có khí hậu nhiệt đới.
Thành phố Darwin là nơi cung cấp 30% nguồn trái cây nhiệt đới và rau quả cho toàn bộ các tiểu bang, trong đó sản lượng xoài đã chiếm 50%. Theo thống kê của Hội Người trồng xoài NT, Darwin có khoảng 400 gia đình Australia và 30 gia đình người Việt trồng xoài, nhưng xoài của người Việt chiếm sản lượng tới 25% ở miền Bắc Australia và khoảng 15% xoài của toàn Australia.
Có mặt tại Darwin vào những ngày thu hoạch xoài cuối tháng 8, chúng tôi hiểu vì sao cộng đồng người Việt định cư ở đây làm nông nghiệp rất thành công, đặc biệt trong lĩnh vực trồng xoài. Người Việt ở NT rất ít, nhưng phần lớn những người Việt giàu có ở Darwin đều nhờ vào xây dựng được thương hiệu cây xoài. Đất đai ở NT còn mênh mông với tỷ lệ 0,16 người/km, phần lớn chưa được khai thác. Thổ nhưỡng với khí hậu nhiệt đới mưa ẩm quanh năm, nguồn nước ngọt khá thuận lợi để trồng rau các loại, xoài, chuối, dưa, nho...
Ngoài giống xoài thật ngọt, thật thơm, to quả, những năm gần đây cũng đã có nhiều nhà đầu tư Việt Nam mạnh dạn mở các trang trại trồng thanh long. Ngoài ra còn có hàng chục hộ nông dân Việt Nam sản xuất rau củ có nguồn gốc từ châu Á như dưa leo, đậu bắp, ớt, gừng, mít, khoai môn...
Cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 5 giờ bay, Darwin đậm chất châu Á. Dân số hiện nay khoảng 125.000 người, trong đó chỉ có hơn 300 người Việt. Là thủ phủ của NT, nhưng Darwin là 1 trong 10 thành phố có chi phí sinh hoạt rẻ nhất Australia. Tại siêu thị gần khách sạn Vibe 5 sao ở trung tâm Darwin, tôi mua 1kg táo chỉ với giá 3 dollar Australia (AUD). Darwin nổi tiếng bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, động vật hoang dã bản địa, nghệ thuật văn hóa thổ dân… và khu bảo tồn sinh thái thu hút khách du lịch.
Cộng đồng người Việt mà tôi có dịp gặp gỡ kể rằng, người Việt ở đây đã tạo ra một cộng đồng nhỏ, chặt chẽ của riêng họ. Họ thường tổ chức họp mặt sinh hoạt, chia sẻ khó khăn, buồn vui của đời sống xa xứ vào cuối tuần hoặc các dịp lễ. Họ không có cảm giác bị xa lánh, kỳ thị vì Darwin là nơi không có khái niệm “người nước ngoài”, bởi sự đa dạng về văn hóa, chủng tộc, cũng như lối sống của người dân.
Nhiều người trong số cộng đồng người Việt tại Darwin là dân nhập cư thế hệ thứ nhất hoặc thứ hai, di cư từ các thành phố lớn ở miền Nam như Sydney, Melbourne và Brisbane. Phần còn lại là sinh viên của Đại học Charles Darwin - trường đại học duy nhất có trụ sở tại NT. Chính ngôi trường này cũng là một trong những lực hút thúc đẩy số người Việt Nam tăng đều ở Darwin trong những năm qua.
Trong khi nhiều nước phương Tây đang siết chặt các chính sách nhập cư thì NT và Darwin vẫn là một ngoại lệ, được đánh giá là điểm đến tốt cho dân châu Á. Với tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất Australia, Darwin là thiên đường cho những ai đang tìm việc làm. Chúng tôi cảm nhận được không khí của một thành phố lớn có khí hậu nhiệt đới gần gũi với Việt Nam - một xã hội đa văn hóa sống động được thu nhỏ.