Mục tiêu của việc xây dựng đập là tích nước để tưới cho hơn 30ha lúa 2 vụ của các xóm: Sơn Lĩnh 1, Sơn Lĩnh 2, Triều Long 1, Triều Long 2 (xã Thanh Lâm).
Việc sẽ có một đập nước ở vùng đất bán sơn địa vốn thường xuyên thiếu nước khiến người dân nơi đây rất phấn khởi. Cuối năm 2012, đập thủy lợi này được đưa vào sử dụng, nhưng đến năm 2015, công trình gần như không còn tác dụng. Tấm chắn và xả nước của hệ thống van đập bị hỏng khiến việc tích và xả nước không thực hiện được. Đất đá theo dòng chảy đổ dồn xuống chân đập, gây bồi lấp khiến miệng cống dẫn bị bịt, nước rất khó vào mương để chảy ra đồng. Tiếp đó, đáy của đập cũng bị rò rỉ nên không còn tích trữ được nước.
Theo người dân địa phương, khi chưa có đập, nước từ khe trong lòng núi tự chảy vẫn đảm bảo tưới cho khoảng 30%-40% diện tích lúa. Nhưng từ khi có đập, nước từ khe bị chặn, khiến việc thiếu nước tưới xảy ra thường xuyên.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, cho biết, việc thiết kế đập, xã không biết, nhưng vị trí xây dựng đập là không phù hợp vì lòng hồ quá nhỏ. Năm đầu tiên, khi mới đưa vào sử dụng, đập tích đầy nước, nhưng cũng chỉ tưới được vài ngày là cạn. Chỉ sau vài năm, xã bàn giao cho hợp tác xã quản lý, vận hành nhưng công trình này không hiệu quả. Xã đã thuê thợ kỹ thuật về sửa chữa van nước, thuê máy múc đá bồi lấp miệng cống, nhưng đều không khắc phục được vì đập đã bị rò rỉ.
Ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết, huyện sẽ cho kiểm tra và có biện pháp khắc phục. Nhưng sau khi sửa chữa mà đập không có nước để tích thì cũng đành chịu.