Tờ Bangkok Post cho rằng, việc sử dụng ngày càng nhiều các trang web truyền thông xã hội và các ứng dụng liên quan, cộng với sự suy giảm của các nguồn thông tin truyền thống trong 10 năm qua, đã kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ của thông tin sai lệch trực tuyến.
Để chống lại tin tức giả và các hình thức thông tin sai lệch khác, vũ khí tốt nhất là đẩy mạnh giáo dục trên phương tiện truyền thông và hiểu biết về thông tin, còn gọi là phương pháp MIL. MIL được dựa trên nhận thức của người dùng, có thể giúp người dân nhanh chóng nhận ra các thông tin sai lệch và tìm đến các nguồn thông tin chính xác hơn. Đây cũng là biện pháp mà một số nước châu Á đang hướng tới.
Tại Hàn Quốc, ngoài việc sử dụng các công cụ truyền thông và công nghệ để ngăn chặn tin giả, chính phủ nước này đã sớm cải cách chương trình giảng dạy ở trường học thông qua việc tổ chức các lớp học ngoại khóa tăng cường sự hiểu biết về thông tin truyền thông. Bên cạnh đó, các trung tâm dành cho thanh thiếu niên thường xuyên lồng chương trình giới thiệu truyền thông chính thống vào các khóa học.
Đảng Dân chủ cầm quyền Hàn Quốc đang thúc đẩy việc sửa đổi một số điều luật để ngăn chặn tin giả, truy cứu bồi thường thiệt hại đối với các hành vi gây tổn hại danh dự người khác. Đảng Dân chủ cũng xúc tiến đưa các tờ báo và các hãng truyền thông vào diện đối tượng bị xử phạt, thay vì chủ yếu tập trung vào các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội.
Lãnh thổ Đài Loan là một ví dụ điển hình về cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch. Thay vì thông qua luật chống tin tức giả, chính quyền sử dụng phương pháp kiểm tra thông tin minh bạch (fast checking) đem lại một số hiệu quả.
Bên cạnh việc xử lý thông tin của cơ quan chức năng, Đài Loan khuyến khích người dân tham gia chống tin giả. Dựa trên các nguyên tắc “nhanh chóng, công bằng và vui vẻ”, người dân sau khi phát hiện thông tin sai sự thật có thể báo cáo với cơ quan xử lý tin giả, và danh tính hoàn toàn được bảo mật. Gần như ngay sau đó, trên phương tiện truyền thông sẽ có các thông tin phản bác lại thông tin sai lệch.
Singapore mới đây đã kích hoạt luật chống tin giả. Người dùng mạng và truyền thông có thể báo cáo những bài đăng bị nghi chứa thông tin không chính xác về mọi mặt. Quốc gia này tập trung vào các nền tảng công nghệ để loại bỏ tin tức giả mạo và giúp người dân nhận diện những dạng tin tức xuyên tạc, sai sự thật.
Indonesia phát động cuộc chiến chống lại những tin tức giả mạo với phương pháp áp dụng gồm: truy tố liên đới những cá nhân lan truyền tin giả; phong tỏa các trang mạng đưa tin; tuyên truyền giúp người dân tỉnh táo khi sử dụng Internet và mạng xã hội, đồng thời thiết lập một danh sách các trang thông tin đáng tin cậy của nhà nước.
Chính phủ Indonesia yêu cầu các công ty mạng xã hội loại bỏ thông tin sai lệch và khóa các tài khoản liên quan, đồng thời kêu gọi những nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội đẩy mạnh việc đưa thông tin đúng sự thật. Một lực lượng đặc biệt được thành lập nhằm điểm mặt những trò lừa bịp, cũng như phối hợp các tổ chức khác để ngăn chặn tin giả.
Riêng ở Ấn Độ, không chỉ có hàng ngàn nhân viên trong cơ quan an ninh mạng của quân đội, nước này còn có cơ chế xã hội hóa để thành lập biệt đội chống tin giả. Cụ thể, một số chuyên gia tin học ở Ấn Độ đã lập các trang web giúp kiểm chứng thông tin. Những trang web này hợp tác với các cơ quan truyền thông lớn ở Ấn Độ phân loại và ngăn chặn các tin tức giả mạo được phát tán trên Internet.