Khi danh sách tân hội viên được công bố, trong rất nhiều tên tuổi ít nhiều đã định hình trong lòng bạn đọc, lại có một số tác giả khiến không ít người băn khoăn. Bất ngờ hơn khi nhận ra trong số hội viên mới kết nạp, có người đã từng đạo thơ. Cụ thể, trong danh sách 20 hội viên mảng văn xuôi vừa kết nạp, người được nhắc đến chính là tác giả Dương Thiên Lý đến từ Bình Phước.
Vào năm 2014, tác giả Dương Thiên Lý, nguyên hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước đã ngang nhiên đạo thơ của các tác giả để in sách, đăng tải trên các tờ báo và tạp chí. Điều đáng nói là khi được góp ý, tác giả này không những không thừa nhận mà còn chống chế: “Tôi chỉ vì quá yêu thơ nên đã ghi nhầm lẫn thơ của người khác vào tác phẩm của mình chứ không phải đạo thơ… Tôi không thèm sinh hoạt ở cái chi hội này nữa…”. “Nhầm lẫn” một lần đã là nỗi hổ thẹn của người cầm bút, đằng này “nhầm lẫn” tới 5 lần, thử hỏi lòng tự trọng của người cầm bút có còn nữa không? Vụ việc này từng được Báo SGGP phản ánh, nghĩa là câu chuyện này đã không còn nằm trong “vòng vây bí mật” nhưng không hiểu sao sau 6 năm, từ một người đạo thơ, Dương Thiên Lý nghiễm nhiên trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam!
Theo quy định, các tác giả có hai tác phẩm in sách, nếu có nhu cầu thì làm đơn gửi đến hội kèm lời giới thiệu của hai hội viên. Ngoài đơn ra, các ứng viên phải gửi kèm bản lý lịch (có xác nhận của phường/xã nơi ở hoặc cơ quan nơi làm việc) và tiểu sử văn học. Chỉ khi nào vượt qua hai vòng xét duyệt của hội đồng/ban chuyên môn và ban chấp hành, thì các tác giả mới được công nhận là hội viên.
Thoạt trông, với một quy trình có vẻ chặt chẽ như vậy, sẽ không có những chuyện bất cập. Nhưng thực tế không phải như vậy. Những năm gần đây, hầu như năm nào, Hội Nhà văn Việt Nam công bố kết nạp hội viên mới, dư luận lại được một phen ồn ào. Và năm nay là trường hợp của tác giả Dương Thiên Lý. Tác phẩm chưa hay không phải là một cái tội, nhưng đạo thơ rõ ràng là một hành vi cho thấy đạo đức và lòng tự trọng của người cầm bút đã ít nhiều bị “nhuộm đen”.