Hỏi: Trong lý lịch, tôi nên ghi: đạo Thiên Chúa hay Công giáo? Hai khái niệm đó có phải là một không?
Marie – Thérèse Kim Liên (Bến Đa, Tân Bình, Châu Thành, Đồng Tháp)
Vào đầu Công nguyên, Jésus sáng lập một tôn giáo mới, thờ Chúa Trời (Thiên Chúa), nên tôn giáo này gọi là đạo Thiên Chúa. Tín đồ đạo này tôn Jésus (phiên âm là Gia–tô) là đấng cứu thế (tiếng Hy Lạp là Khristos, phiên âm là Ki–tô hay Cơ–đốc) nên đạo Thiên Chúa còn gọi là đạo Gia–tô, đạo Ki–tô hay đạo Cơ–đốc (tiếng Pháp Christianisme).
Năm 1054, đạo Thiên Chúa bị phân hóa thành hai nhánh: Công giáo (Catholicisme) thuộc Giáo hội La Mã (Eùglise romaine) dưới quyền của giáo hoàng ở Tòa thánh Vatican (Roma, Italia) và Chính thống giáo gồm nhiều giáo hội khác nhau – gọi là giáo hội chính thống (Églises orthodoxes) hay giáo hội phương Đông (Églises orientales), phát triển ở Hy Lạp, Nga và các nước Đông Âu.
Đến thế kỷ XVI, Jean Calvin (người Pháp, 1509 – 1564) và Martin Luther (người Đức, 1483 – 1546) khởi xướng phong trào Cải cách tôn giáo ở châu Âu. Đạo Tin lành (Protestantisme) ra đời, chủ trương chỉ tin tưởng Kinh Thánh, không phục tùng giáo hoàng ở Roma. Đạo Tin lành có nhiều phái (Eglise luthérienne theo tư tưởng của Luther (Luthéranisme), Eglise calviniste theo tư tưởng của Calvin (Calvinisme)…).
Năm 1533, vua nước Anh Henry VIII (1509 – 1547) tín đồ Công giáo, xin li dị bà vợ người Tây Ban Nha Catherine d’Aragon nhưng giáo hoàng Clement VII không cho phép. Henry VIII vẫn li dị (1833), năm sau, 1834, ông ly khai khỏi Giáo hội Công giáo, lập Giáo hội Anh giáo (Église anglicane).
Vua nước Anh vừa đứng đầu triều đình, vừa đứng đầu giáo hội, nắm cả thế quyền lẫn giáo quyền. Anh giáo (Anglicanisme) trở thành quốc giáo.
Như vậy, Công giáo, Chính thống giáo, đạo Tin lành, Anh giáo… là những nhánh của đạo Thiên Chúa.
Hoàng Anh