Ngoài ra còn có đào tạo liên tục trong suốt cuộc đời hành nghề. Thực trạng của đào tạo sau ĐH ở nước ta có quá nhiều vấn đề mà các chuyên gia đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về chính sách.
ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
Phải bỏ tiền túi làm nghiên cứu
GS-BS Nhà giáo nhân dân Tạ Thành Văn, giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội, cho rằng thời gian qua chúng ta thành lập nhiều viện nghiên cứu chuyên sâu, sử dụng ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) để duy trì đội ngũ các nhà khoa học. Nhà nước phải đầu tư kinh phí khá lớn để duy trì cơ sở vật chất, nhân lực cho các viện này thực thi các nhiệm vụ KH-CN (chủ yếu theo hình thức đấu thầu hàng năm). Nhưng hiệu quả kinh tế và xã hội của các viện rất khiêm tốn. Các viện này cũng tham gia vào đào tạo sau ĐH với một lượng ít ỏi hàng năm. Các trường ĐH mới được thành lập nhiều, nhưng đầu tư cho hoạt động KH-CN nhìn chung là không đáng kể, trong khi các trường ĐH là nơi đào tạo đội ngũ chuyên gia của tất cả các ngành nghề, ở mọi cấp bậc của nền kinh tế nước nhà.
Do vậy, thực tế đào tạo sau ĐH của nước ta không gắn kết với nghiên cứu khoa học, kinh phí sau đào tạo ĐH không gắn kết với kinh phí nghiên cứu KH-CN. Các trường ĐH không phải là cái nôi của KH-CN. Điều này dẫn đến hệ quả là chất lượng đội ngũ các Th.S, TS thấp hơn nhiều so với mặt bằng các nước trong khu vực (thông qua chỉ số công bố quốc tế), gây hậu quả xấu và lâu dài cho nền kinh tế nước nhà.
Chỉ tiêu đào tạo mà Bộ GD-ĐT phê duyệt hàng năm không phụ thuộc vào nhu cầu xã hội của từng chuyên ngành, dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp, gây lãng phí về nguồn lực. Nhiều TS sau khi tốt nghiệp không làm chuyên môn liên quan đến vấn đề đã nghiên cứu. Nhiều GS, PGS sau khi nhận học hàm xong coi như hoàn thành sứ mệnh, không tiếp tục tham gia đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 08-2017 về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ TS, yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế. Tuy nhiên, trong quy chế không đề cập đến kinh phí đào tạo, kinh phí làm luận án và các chi phí công bố quốc tế. Sự thật là, hiện nay phần lớn các học viên Th.S, nghiên cứu sinh làm luận văn/luận án đều phải tự bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu. Đây là một khác biệt của Việt Nam so với tất cả các nước trên thế giới. Ngân sách đào tạo cho 1 học viên sau ĐH bằng ngân sách đào tạo 1 sinh viên ĐH. Không có kinh phí cho nghiên cứu khoa học của học viên sau ĐH.
Trong khi đó, một đề tài của Quỹ Nghiên cứu Nafosted (Quỹ Phát triển KH-CN quốc gia) có kinh phí khoảng 2 tỷ đồng và yêu cầu đầu tư có 2 bài báo quốc tế (giống đầu ra của một nghiên cứu sinh theo quy chế đào tạo TS hiện hành). Dù ngân sách dành cho đào tạo nghiên cứu sinh ở nước ngoài theo Đề án 322 hoặc 356 mà Chính phủ triển khai cũng là đáng kể, nhưng số học viên này chỉ chiếm rất ít trong tổng số các TS, Th.S hàng năm của Việt Nam.
Gắn với nghiên cứu khoa học
Theo phân tích của GS Tạ Thành Văn, chúng ta cũng đang bất cập và mâu thuẫn về chính sách quản lý đào tạo lẫn quản lý KH-CN, dẫn đến hệ quả là chất lượng học viên sau ĐH của Việt Nam thấp. Cụ thể, chúng ta có Bộ KH-CN là cơ quan quản lý nhà nước về KH-CN, quản lý các quỹ về KH-CN. Ngoài ra các bộ ngành đều có ngân sách dành cho KH-CN. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT (nơi quản lý và phê duyệt chỉ tiêu đào tạo sau ĐH hàng năm) lại không có sự gắn kết một cách chặt chẽ với ngân sách KH-CN quốc gia. Tuy bộ này cũng có ngân sách cho KH-CN hàng năm, nhưng ngân sách này không liên quan đến chỉ tiêu đào tạo sau ĐH.
Từ thực tế đó, GS Tạ Thành Văn đề xuất, để nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH, trước hết cần tạo sự gắn kết giữa đào tạo sau ĐH và nghiên cứu khoa học. Phải cấp ngân sách nghiên cứu khoa học cho đào tạo học viên sau ĐH. Chẳng hạn, với nghiên cứu sinh thì ngân sách tối thiểu phải tương đương với chi phí cho việc có được 2 công bố quốc tế (theo yêu cầu của tiêu chuẩn đầu ra). Ngân sách này phải chuyển về cơ sở đào tạo và phải do thầy hướng dẫn toàn quyền sử dụng phục vụ cho luận án/luận văn sau ĐH. Không phân biệt trường công lập và ngoài công lập trong việc cấp ngân sách nghiên cứu khoa học cho việc đào tạo sau ĐH, bởi đây là đào tạo đội ngũ chuyên gia bậc cao cho quốc gia.
Để chắt chiu nguồn kinh phí đào tạo sau ĐH, GS Tạ Thành Văn cũng kiến nghị hạn chế thành lập mới các viện nghiên cứu độc lập. Thay vào đó, cần tổ chức đánh giá một cách khách quan hiệu quả kinh tế - xã hội của hệ thống các viện nghiên cứu, từ cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư, nhân sự và hiệu quả đầu ra. Sáp nhập và trả lại các viện về trường ĐH, để biến trường ĐH thực sự là nơi hội tụ chất xám phục vụ cho đào tạo đội ngũ chuyên gia bậc cao thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH-CN.
Cùng với vấn đề kinh phí, GS Tạ Thành Văn cũng cho rằng việc xác định chỉ tiêu đào tạo sau ĐH phải dựa vào nhu cầu nguồn lực của mỗi ngành nghề. Ông đề nghị cần xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH-CN. Cần thành lập Trung tâm quốc gia Dự báo nguồn nhân lực quốc gia. Trung tâm này có chức năng khảo sát, theo dõi nhu cầu và sự biến động về nhân lực theo lĩnh vực ngành nghề, theo bậc đào tạo, theo chuyên ngành và theo địa dư vùng miền…