Năm 2010, Chính phủ ban hành Đề án phát triển công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 32) với mục tiêu: Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cho 60.000 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH (bình quân 3.000 người/năm). Tuy nhiên, giữa mục tiêu và nhu cầu đào tạo, tuyển dụng thực tế đang có nhiều mâu thuẫn cần được giải quyết.
Nhu cầu rất lớn
Mục tiêu của Đề án 32 là đến năm 2020 mỗi xã có một nhân viên chuyên nghiệp làm CTXH; các cơ sở cấp huyện có thể tuyển dụng 6 nhân viên xã hội chuyên nghiệp và 2 nhân viên xã hội được đào tạo sau đại học (ĐH); cấp tỉnh tuyển dụng 4 nhân viên xã hội chuyên nghiệp và 2 nhân viên xã hội được đào tạo sau ĐH; các bộ thuộc Chính phủ tuyển dụng 3 nhân viên xã hội được đào tạo sau ĐH trong mỗi vụ/ban. Trong khi đó, các trường ĐH sẽ có giảng viên được đào tạo chuyên nghiệp và 50% đào tạo sau ĐH...
Thạc sĩ Lê Chí An, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), cho biết từ khi Chính phủ ban hành Đề án 32 nhằm phát triển nghề CTXH ở nước ta thì cụm từ CTXH được đặc biệt quan tâm nhiều trong lĩnh vực đào tạo và thực hành. Hiện nay có trên 50 trường/cơ sở đào tạo CTXH, nhiều hơn số lượng trường CTXH của châu Phi cộng lại.
Bác sĩ Lê Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em tàn tật và mồ côi Thị Nghè, chia sẻ: Trung tâm hiện có 380 trẻ mồ côi và 200 trẻ khuyết tật cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay trung tâm tiếp nhận những tấm lòng hảo tâm từ xã hội đến trợ giúp chủ yếu xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, chưa qua đào tạo các kỹ năng thực tế nên thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, trung tâm rất cần những sinh viên đến thực tập hoặc ra trường đến làm việc.
Riêng các trung tâm, tổ chức thuộc sở có khoảng 4.000 vị trí việc làm, chưa kể các tổ chức phi chính phủ. TPHCM có chính sách đặc biệt cho người làm CTXH (trình độ cử nhân), ngoài hệ số lương cơ bản còn cộng thêm 3 triệu đồng/tháng. Do đó, sinh viên ngành CTXH mới ra trường nếu vào làm tại các trung tâm thì mức thu nhập 7 - 8 triệu đồng/tháng.
Tìm việc không đúng ngành đào tạo
Thế nhưng, trong thực tế, các trường cho biết rất lo âu, trăn trở, khi hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường phải loay hoay tìm việc và phải làm công việc không đúng chuyên ngành đã đào tạo. Một số rất ít được tuyển dụng vào các vị trí trong ngành nhưng chưa phát huy chuyên môn.
Thạc sĩ Lê Chí An băn khoăn: “Chúng ta đều thấy được mâu thuẫn giữa nhu cầu nhân lực CTXH và chính sách tuyển dụng hiện nay.
Ví dụ, nhu cầu tuyển nhân viên xã hội ở lĩnh vực y tế, trường học là khá lớn nhưng các nơi này không có chỉ tiêu tuyển hoặc khó tuyển, trong khi Đề án 32 yêu cầu phát triển CTXH trong nhiều lĩnh vực.
Đối với ngành y tế, đã có Đề án phát triển CTXH trong lĩnh vực y tế giai đoạn 2011-2020, có thông tư hướng dẫn tổ chức CTXH trong bệnh viện, nhưng rất ít bệnh viện thực hiện được.
Tương tự, Bộ GD-ĐT đã ban hành Kế hoạch phát triển CTXH trong trường học và đang chuẩn bị ra thông tư hướng dẫn triển khai, nhưng triển vọng tuyển dụng nhân viên xã hội học đường vẫn còn nhiều thách thức”.
Bà Trần Thị Lụa, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam - Phân viện miền Nam, cho biết: “Đến nay cả nước đã hình thành và phát triển được hơn 413 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có gần 40 trung tâm CTXH chuyên sâu.
Có thể thấy rằng, để có đội ngũ đáp ứng được nhu cầu trên, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực giảng dạy tốt, làm sao để khi họ học xong thì có thể làm ngay mà không phải học lại.
Mặt khác, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH mới hình thành ở ngành LĐTB-XH là chủ yếu. Các dịch vụ CTXH chưa đa dạng, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn, năng lực cung cấp dịch vụ và chăm sóc, trợ giúp đối tượng đạt hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng, chưa được đào tạo chuyên nghiệp”.
Có thể nói, sau nhiều năm triển khai đề án, nhân lực ngành CTXH vẫn là một vướng mắc mà hầu hết các địa phương đang gặp phải.
Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định 327 về phát triển nghề CTXH trong ngành giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu cụ thể: Đến hết năm 2018 có ít nhất 15 cơ sở giáo dục ĐH đào tạo thạc sĩ CTXH.
Đến hết năm 2020, 100% đội ngũ cán bộ giảng viên được bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn về CTXH. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam mới chỉ có 2 cơ sở là Học viện Khoa học Xã hội và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đào tạo bậc tiến sĩ CTXH…
Để đào tạo bậc thạc sĩ CTXH, đòi hỏi cơ sở giáo dục phải có đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Đây là một thách thức lớn với nhiều trở ngại như: thiếu nguồn nhân lực tiến sĩ, thạc sĩ giảng dạy trong các trường ĐH, CĐ trên cả nước; chương trình chưa rõ ràng; trình độ ngoại ngữ của người học và dạy còn hạn chế; hệ thống giáo trình còn thiếu; thiếu cơ sở thực tập và giáo viên hướng dẫn…
Một trở ngại khác, về khuôn khổ pháp lý, hiện nay tuy đã có một số văn bản quản lý nhà nước ban hành nhưng chưa đủ, thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như xác định vai trò, vị trí của nhân viên CTXH, việc làm của nhân viên CTXH…
Đại diện Trường ĐH RMIT Việt Nam kiến nghị: Việt Nam nên thành lập Hiệp hội Những người làm CTXH để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. Giảng viên phải luôn học hỏi, học ngay cả sinh viên của mình để trao đổi kinh nghiệm từ học thuật đến thực tế. Để trở thành một người làm CTXH chuyên nghiệp, chúng ta cần phải lăn lộn, học mọi thứ và học tập suốt đời. |