Hợp tác với doanh nghiệp
Theo TS Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, một trong các thách thức mà Việt Nam phải vượt qua để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 chính là nguồn nhân lực. Ngày 11-5-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 569/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, với mục tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế chip vi mạch. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội nếu Việt Nam có sự đầu tư mạnh từ cấp nhà nước, đồng thời tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy đào tạo, nghiên cứu phát triển, mở rộng quy mô đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực STEM (bao gồm các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học). Đặc biệt, Việt Nam cần có cam kết bền vững và lâu dài, vì xây dựng nguồn nhân lực này đòi hỏi nguồn cung ổn định và đáng kể từ giáo dục đại học, sau đại học, đào tạo thực tế.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM, ĐHQG TPHCM là hệ thống đại học với 8 trường đại học, 1 viện nghiên cứu thành viên, có quy mô đào tạo lớn nhất cả nước với khoảng 100.000 sinh viên đại học, sau đại học. ĐHQG TPHCM xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu của châu Á, nơi hội tụ của nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở đó, ĐHQG TPHCM luôn xem việc hợp tác với doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng để gia tăng nguồn lực, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, ĐHQG TPHCM đã xác định 3 mũi nhọn về đào tạo và nghiên cứu cho các ngành Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Trí tuệ nhân tạo.
Lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đang dẫn đầu toàn cầu về công nghệ vi mạch, chip bán dẫn. GS Hsi-Pin Ma, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thiết kế vi mạch, Đại học Quốc lập Thanh Hoa (lãnh thổ Đài Loan), chia sẻ: Đài Loan hiện có Hiệp hội phát triển vi mạch để hỗ trợ hợp tác phát triển công nghệ vi mạch. Việc hỗ trợ này gắn với các trường đại học cũng như doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực. Sinh viên được học, thực hành thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất chip. Đây được xem là chuẩn đầu ra cho các kỹ sư công nghệ vi mạch. Cùng với đó, chính phủ hỗ trợ tài chính, cơ quan giáo dục huy động các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia thiết kế xây dựng chương trình đào tạo chuẩn cho ngành công nghệ vi mạch.
Huy động các nguồn lực
Theo ông Shin Choong-il, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TPHCM, ngành bán dẫn, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, các hệ thống thông minh và các vấn đề thân thiện với hệ sinh thái sẽ trở thành những trụ cột trong ngành công nghiệp tương lai của thế giới. Và nguồn nhân lực chính là tài sản lớn nhất cho tương lai của các quốc gia. Tháng 6-2023, Tổng thống Hàn Quốc đã đến thăm Việt Nam, đưa ra thông điệp về sự hỗ trợ đầu tư vào các ngành công nghệ cao và nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam. Thông điệp này đã được củng cố trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hàn Quốc vào tháng 7-2023.
Trong khi đó, bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, cho biết: Tháng 9-2023, khi đến thăm Việt Nam, Tổng thống Joe Biden đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực cũng như hệ sinh thái về công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, thông qua chương trình hỗ trợ, hợp tác giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) với ĐHQG TPHCM và các trường đại học khác của Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nâng cao năng lực nguồn nhân lực, đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế mới.
Về phía doanh nghiệp, ông Kenneth Tse, Giám đốc điều hành Intel Việt Nam, thông tin: Intel Việt Nam là nhà máy lắp ráp, kiểm thử, đóng gói chip lớn nhất hiện nay. Do đó, nguồn nhân lực với Intel là vấn đề sống còn. Từ năm 2010-2016, Intel đã xây dựng chương trình học bổng và đào tạo khoảng 9.000 kỹ sư là người Việt Nam hiện đang làm việc tại nhà máy. Trong giai đoạn tới, Intel mong muốn sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các trường đại học của Việt Nam để tham gia hỗ trợ học bổng, tham gia đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn.
Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc kinh doanh, Công ty Synopsys Nam Á (thuộc Công ty Synopsys - Hoa Kỳ), cho biết: Tháng 3-2024, Synopsys Việt Nam ký kết hợp tác với ĐHQG TPHCM về phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn. Tại Việt Nam, hiện có hơn 600 kỹ sư Việt Nam làm việc cho công ty. Trong chiến lược phát triển thời gian tới, Công ty Synopsys mở thêm một trung tâm tại TPHCM và cần nhiều kỹ sư, chuyên gia về công nghệ vi mạch, bán dẫn. Cùng với đó, Công ty Synopsys mong muốn hợp tác với các trường đại học nhằm cấp học bổng, tuyển chọn sinh viên giỏi để trải qua chương trình thực tập sinh tại Synopsys, từ đó tuyển dụng các kỹ sư thông qua chương trình này.