Cuộc tọa đàm tập trung đông đảo văn nghệ sĩ trong các lĩnh vực như văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc… với nhiều ý kiến nêu bật thực trạng đào tạo nhân lực VHNT ở TPHCM hiện nay.
Lẽ ra phải làm 5 - 10 năm trước
Đánh giá về tình hình VHNT tại TPHCM hiện nay, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TP, cho rằng, đời sống VHNT của thành phố (TP) hiện chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế. Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, một thời gian dài TP quan tâm rất tốt đến công tác giảm nghèo về vật chất nhưng còn đời sống tinh thần lại chưa được đầu tư một cách tương xứng. Lấy ví dụ đội bóng U.23 vừa qua, đó là một điển hình của việc tìm kiếm tài năng, đầu tư tốt cho đào tạo và khi họ thành công đã góp vai trò không nhỏ cho việc khích lệ niềm yêu thích thể thao ở người dân. Nghệ thuật cũng vậy, đây cũng là lĩnh vực của tài năng, nếu có cơ chế tìm kiếm tài năng hiệu quả, việc đào tạo tốt sẽ mang đến những thành công mà cụ thể là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh, thu hút khán giả, từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân…
Theo nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP, lẽ ra việc đào tạo nguồn nhân lực cho VHNT cần phải nhắc đến từ cách đây ít ra là 5 hay 10 năm. VHNT đòi hỏi năng khiếu, tài năng nhưng nếu không được đào tạo, hỗ trợ thì năng khiếu hay tài năng chỉ có thể giúp tác giả thành công với 1 hay 2 tác phẩm rồi lặng lẽ biến mất, đó là điều thường hay thấy nhất với các tác giả trẻ…
Thực tế cuộc sống quyết định nguồn nhân lực
Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên nhắc nhở, chúng ta hay nhắc đến tài năng của Nam Cao hay nhiều văn nghệ sĩ một thời, nhưng cần phải nhớ là khi đó, viết một truyện ngắn, Nam Cao được trả 15 đồng, mà chỉ cần 3 đồng là đủ ăn trưa cả một tháng. Với 15 đồng là sống tàm tạm 4-5 tháng rồi, như vậy rõ ràng họ có thể sống bằng sáng tác của mình. PGS-TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP, cũng tán đồng với ý kiến trên. Bà nêu một thực tế, sau khi các thế hệ như GS - Viện sĩ Lưu Hữu Phước, PGS Tô Vũ, GS Ca Lê Thuần… nghỉ ngơi, lĩnh vực lý luận phê bình VHNT rơi vào cảnh chợ chiều. Lý do rất đơn giản, họ không thể sống với nghề sau khi ra trường. Lý luận phê bình khó làm, phải có rất nhiều tâm huyết mới làm nổi, ngoài yêu nghề, nhạy cảm… còn đòi hỏi cả dấn thân. Yêu cầu thì nhiều nhưng đáp lại là không có nguồn ra tác phẩm, không thể sống với nghề.
TS - NSƯT Hải Phượng nhớ lại ngày trước khi đi theo nghề biểu diễn đờn ca tài tử, từ gia đình đến bạn bè đều có cái nhìn xem nhẹ, coi chỉ là trò giải trí. Cho đến khi đờn ca tài tử được công nhận, được đề cao cả ở tầm quốc tế, cái nhìn về loại hình nghệ thuật này mới dần thay đổi. Rồi có chính sách đưa đờn ca tài tử vào trường học, các em được học, được giải thích, hiểu biết và từ đó xuất hiện niềm yêu thích. Khi lớn lên, các em từ yêu thích bắt đầu hướng đến theo đuổi, gia đình cũng dễ chấp nhận, trở thành một nguồn cung quý giá đối với loại hình nghệ thuật này hiện nay. Nghệ sĩ Hải Phượng đặt câu hỏi, vì sao chúng ta đã làm rất tốt với đờn ca tài tử nhưng còn cải lương, một loại hình nghệ thuật tiêu biểu của Nam bộ lại chưa làm được như thế. Tạo được niềm yêu thích, mở được một hướng đi, đó là một con đường đào tạo hiệu quả nhất đối với VHNT.
TS Nguyễn Thị Kim Ửng, Tổng biên tập Tạp chí Kiến thức ngày nay, đưa ra một giải pháp trong việc đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh là “du học tại chỗ”, đó là các lớp bồi dưỡng đạo diễn, diễn viên mà người hướng dẫn chính là các đạo diễn, nhà làm phim nổi tiếng của thế giới. Đạo diễn Đức PP Danquart, người từng đoạt giải Oscar cho phim ngắn Người trốn vé đã truyền cho các đạo diễn trẻ TP những bài học kinh nghiệm đầy thực tế về 2 thể loại là phim truyện và tài liệu. Hay trường hợp nhà biên kịch Mỹ Pilar Alessandra đã truyền tải nhiều bài học hấp dẫn về viết kịch bản cho các tác giả trẻ Việt Nam và hỗ trợ họ sau đó qua email. Từ những trao đổi đó, nhà biên kịch Lương Đình Dũng đã hoàn thiện kịch bản bộ phim Cha cõng con được đánh giá cao cả trong và ngoài nước.
Còn TS Mỹ Liêm đề xuất, trong khi đang chờ đợi có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đào tạo lý luận phê bình âm nhạc. Nhạc viện, Hội Âm nhạc TP có thể “đi tắt”, thay vì đào tạo từ đầu thì có thể mời các nhà báo, nhà phê bình danh tiếng để đào tạo bổ sung kiến thức về âm nhạc theo dạng chuyên ngành để đáp ứng được yêu cầu cần có đội ngũ lý luận phê bình âm nhạc hiện nay.