Ngày 4-10, tại TPHCM, CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với UBND huyện Tu Mơ Rông, UBND huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) cùng các đơn vị liên quan tổ chức Lễ bế giảng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2024.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nói trên được triển khai dựa trên biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024 - 2027 giữa CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam với UBND huyện Tu Mơ Rông và UBND huyện Đăk Hà; nhằm giúp các địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ giải quyết việc làm.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng diễn ra từ ngày 10-4 đến ngày 1-10 với sự tham gia của 18 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Hà. Trong đó, huyện Tu Mơ Rông có 10 học viên, Đăk Hà có 8 học viên.
Tham gia giảng dạy là các chuyên gia, doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành du lịch. Trong thời gian đào tạo, các học viên sẽ được học lý thuyết với các kiến thức liên quan đến tổng quan du lịch Việt Nam, định hướng phát triển du lịch Kon Tum; các kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ du lịch; tổ chức sự kiện, dẫn chương trình; đào tạo nhân viên du lịch và các kiến thức liên quan đến thiết kế, giới thiệu sản phẩm du lịch…
Ngoài lý thuyết, các học viên sẽ được “rèn dũa” thực tế thông qua 3 tháng thực hành tại các địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, chương trình thể hiện rõ quan điểm phát triển, trách nhiệm xã hội của CLB và các thành viên là cam kết đóng góp vào phát triển bền vững, thông qua việc cải thiện đời sống người lao động, cộng đồng và xã hội, tạo ra lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Phát biểu tại lễ bế giảng, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, tỉnh Kon Tum có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định du lịch là một trong các hướng phát triển để nâng cao đời sống đồng bào, bảo tồn nền văn hóa đặc sắc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo mang tính chiến lược nhằm nâng tầm, phát triển ngành du lịch đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó giúp hình ảnh Kon Tum được khắp nơi biết đến, người dân hưởng lợi, nền văn hoá đồng bào các dân tộc anh em được bảo tồn rộng khắp.
Tại huyện Tu Mơ Rông, nhờ bám sát các chính sách, định hướng phát triển du lịch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mà nền du lịch non trẻ của huyện đã có những bước tiến vững chắc. Huyện đã xây dựng được các sản phẩm du lịch độc đáo, hiếm nơi nào có là Du lịch tham quan vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới. Năm 2023, huyện đón 10.000 khách đến tham quan du lịch. Đồng bào Xơ Đăng đã hưởng lợi lớn thông qua việc phục vụ ăn uống, biểu diễn cồng chiêng, bán dược liệu.
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, Tu Mơ Rông dù có tiềm năng để phát triển du lịch nhưng còn thiếu nhiều yếu tố để vươn tầm trở thành một khu du lịch nổi tiếng. Một trong những yếu tố còn thiếu là chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chưa được chuyên nghiệp. Để giải quyết hạn chế này, huyện đã quyết định “bắt tay”, tín nhiệm chọn CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam để giúp huyện đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho huyện.
“Qua 6 tháng được các chuyên gia du lịch đào tạo, có thể thấy rõ, 10 học viên tham gia lớp đào tạo của huyện đã có sự tiến bộ rõ rệt, nhất là khả năng giao tiếp, trình độ quản lý, cách điều phối sự kiện, thiết kế tour được nâng tầm. Huyện xác định, 10 học viên này, sẽ là 10 “hạt giống” đầu tiên để bắt đầu xây dựng nền du lịch chuyên nghiệp. Những học viên này sẽ trực tiếp phục vụ du lịch, tổ chức truyền dạy lại cho đồng bào quê hương mình. Từ đó, nguồn nhân lực du lịch sẽ được nhân rộng, sẵn sàng làm khách hài lòng khi đặt chân đến địa phương mình. Địa phương gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam đã giúp huyện đào tạo nhân lực phục vụ du lịch”, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói.