Do đó, đến năm 2023, nếu chúng ta chưa kiểm định chất lượng thì sinh viên tốt nghiệp ngành y sẽ không được đăng ký thi bằng tương đương vào Mỹ… Đó là những vấn đề nóng được các chuyên gia đưa ra bàn luận tại hội thảo “Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế”, do Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng vừa tổ chức tại TPHCM.
Thực trạng dư thừa, yếu kém
GS-TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhìn thẳng vào thực tế và cho rằng hệ thống đào tạo nhân lực y tế của nước ta đang dạy lý thuyết quá nhiều. Vai trò của thực hành và cơ sở thực hành phục vụ cho đào tạo nhân lực y tế quá ít.
Ngành y tế sử dụng nhân lực nhưng thực tế không được xây dựng chuẩn đầu ra, mà do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định. Những quy định kiểm định hiện nay không có quy định về kiểm định cơ sở thực hành cho các trường đào tạo ngành sức khỏe. Trong khi đó, thực tế lĩnh vực này, chỉ có Bộ Y tế mới có đủ chuyên môn để đánh giá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm giờ học thực hành của sinh viên Khoa Điều dưỡng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh: “Cơ sở để chúng ta thay đổi và sắp xếp lại hệ thống đào tạo nguồn nhân lực y tế là Quyết định 181 về khung cơ cấu giáo dục quốc gia và Quyết định 182 về khung trình độ quốc gia của Thủ tướng.
Do đó, chúng ta phải xây dựng lại chương trình đào tạo cho phù hợp. Quyết định của Thủ tướng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và là điều kiện để Bộ Y tế được xây dựng chuẩn đầu ra, phải tổ chức thi chứng chỉ hành nghề cho nhân lực của ngành. Điều quan trọng nữa, chúng ta phải tiến hành kiểm định chương trình đào tạo. Song song đó, những bất cập từ cơ chế cũng sẽ được xóa bỏ. Sẽ không còn tình trạng bác sĩ học 6 năm ra trường mà lương, chính sách chỉ hưởng như cử nhân học 4 năm được”.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết: “Cả nước hiện có 196 cơ sở đào tạo nhân lực y tế (đại học có 43 cơ sở, cao đẳng 64 cơ sở và 89 cơ sở trung cấp).
Trong đó, số trường đào tạo y đa khoa là 24 (18 công lập, 6 ngoài công lập) và đào tạo dược là 28 trường. Về chỉ tiêu hiện nay, ngành y có khoảng 8.000, dược là hơn 8.500. Về cơ bản thì chỉ tiêu này đáp ứng được yêu cầu cho đến năm 2020. Do đó, điều đáng quan tâm hiện nay, đó là phải tính đến vấn đề chất lượng. Một điểm báo động là hệ trung cấp hiện đang dư thừa khoảng 100.000 chỉ tiêu”.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng, hạn chế hiện nay mà cơ sở đào tạo đang đối diện đó là chưa phân định rõ hệ nghiên cứu hay hệ hành nghề, các quy định về điều kiện đào tạo không đảm bảo tính đặc thù mà theo quy định chung của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Do đó, chương trình đào tạo chưa dựa trên chuẩn năng lực nghề nghiệp, chế độ chính sách cũng không phù hợp nên khó đáp ứng được nhu cầu hội nhập của ngành.
PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM, cảnh báo: “Đến năm 2020, nếu các trường y không được kiểm định, đánh giá chất lượng thì sẽ nằm ngoài danh sách các trường đào tạo y của Liên đoàn Y khoa thế giới. Do đó, đến năm 2023, chúng ta chưa kiểm định chất lượng thì sinh viên tốt nghiệp ngành y của Việt Nam sẽ không được đăng ký thi bằng tương đương vào Mỹ. Đây rõ ràng là bước thụt lùi về đào tạo ngành y của chúng ta”.
Đổi mới từ chương trình đào tạo lẫn người thầy
PGS-TS Trần Diệp Tuấn phân tích: “Hệ thống y tế của chúng ta hiện đối diện với nhiều thách thức. Đó là áp lực từ việc dân số già, nhu cầu khám chữa bệnh gia tăng nhưng chúng ta chưa biết được cần loại bác sĩ nào nhiều nhất, bệnh mãn tính ngày càng nhiều và cần hệ thống y tế đáp ứng tức thì, công nghệ thay đổi và yêu cầu con người cũng phải thay đổi…
Trong khi đó, thực tế hệ thống y tế của chúng ta sử dụng nguồn nhân lực của hệ thống đào tạo chung. Hơn nữa, giữa người sử dụng và người cung cấp không có sự tương tác, có nghĩa là anh đào tạo cứ lo đào tạo, còn anh sử dụng thì cứ sử dụng. Điều này dẫn đến con số đau lòng, đó là thực tế đang có khoảng 100.000 nhân lực y tế hệ trung cấp dư thừa. Thật đáng báo động và quá lãng phí!”.
Dẫn chứng từ kinh nghiệm và quá trình đổi mới của trường, PGS-TS Trần Diệp Tuấn cho biết: “Chúng ta là sản phẩm của quá khứ, nhưng chúng ta đang đào tạo sinh viên để làm việc cho tương lai. Do đó, chúng ta phải ý thức rằng đào tạo con người không chỉ sau 6 năm mà sản phẩm ấy sẽ phục vụ cho gần 1/2 thế kỷ sau này”. Khuyến cáo với những cơ sở mới tham gia đào tạo nhân lực y tế, PGS-TS Trần Diệp Tuấn lưu ý: Hiện nay các trường mới mở các ngành sức khỏe đang theo học những cái cũ ở các trường khác và những cái cũ này đang lỗi thời, các trường đang chuẩn bị thay đổi.
Do đó, những cơ sở mới nên làm và áp dụng cái mới chứ đừng làm theo cái cũ, rồi thế nào cũng phải mất công thực hiện đổi mới thì rất lãng phí. “Những thách thức về chăm sóc sức khỏe của thế kỷ 21 đòi hỏi nguồn nhân lực phải có năng lực tương ứng. Vì vậy, chương trình đào tạo phải thực hiện theo kiểu mới, người thầy cũng phải đổi mới. Vì vậy, các trường đào tạo không còn cách nào khác là phải xây dựng tầm nhìn và kế hoạch hành động ngay từ bây giờ”, PGS-TS Trần Diệp Tuấn nhấn mạnh.
GS-TS Lê Quang Cường khẳng định: Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ LĐTB-XH xây dựng khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế. Song song đó, sẽ kiến nghị chỉnh sửa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Khám bệnh, chữa bệnh để có những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế cho nhân lực ngành y tế.