Những ngành “hot”
Trong các ngành công bố tuyển sinh năm 2018, TDC bổ sung thêm 9 ngành mới ở trình độ cao đẳng, được xem là những ngành “hot” nhất hiện nay khi hầu hết các DN thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo, vận hành dây chuyền máy móc hiện đại hay các đơn vị thuộc nhóm ngành dịch vụ, tài chính đang săn lùng nhân sự như: Chế tạo thiết bị cơ khí, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Kinh doanh thương mại, Logistic, Tài chính – Ngân hàng và Tiếng Nhật.
Với việc bổ sung thêm 9 ngành đào tạo mới, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức hiện có 23 ngành đào đạo trình độ cao đẳng và 14 ngành đào tạo trình độ trung cấp giúp người học dễ dàng có sự lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của mình và thuận lợi trong tìm kiếm việc làm.
Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành này ở mức khá cao, đạt 6,7% so với cùng kỳ, trong đó, ngành điện tử - CNTT tăng cao nhất (đạt 11,8% so với cùng kỳ) đã đặt ra nhiều đòi hỏi về nhân sự được đào tạo bài bản, có chuyên môn kỹ thuật cao, nhất là có quá trình học hành tại các DN có hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại, chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, nhất là đối với các ngành: Chế tạo cơ khí, điện tử công nghiệp, Logistics để bắt tay vào làm việc ngay mà không phải qua quá trình đào tạo bổ sung...
Là một trường công lập trọng điểm của TPHCM, TDC đã đón đầu nhu cầu nhân sự của TP và triển khai đào tạo nhân lực cho nhóm ngành trọng điểm trên với mục tiêu ở khóa học đầu tiên sẽ cung cấp cho khu vực kinh tế - tài chính năng động nhất nước nguồn lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, có thể làm việc ở nhiều môi trường khắt khe mà các doanh nghiệp, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đặt ra.
Doanh nghiệp cùng đào tạo
Trong chiến lược đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, TDC coi cộng đồng DN có vai trò rất quan trọng để cùng đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc, bắt kịp với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của nền kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo.
Từ năm 2018, TDC có bước tiến mạnh mẽ hơn khi chọn sinh viên một số ngành cao đẳng tham gia chương trình đào tạo kép với 70% khối lượng kiến thức được DN trực tiếp giảng dạy. Lãnh đạo một công ty tham gia ký kết đào tạo kép đã phát biểu, trong chương trình đào tạo của trường, các công ty chỉ dám đóng góp từ 10 - 20% khối lượng kiến thức, nhưng TDC đã thực hiện đột phá với thời gian thực hành ở doanh nghiệp ở mức 70% là rất lý tưởng.
Đánh giá mô hình này, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho rằng, TDC đã thực hiện kịp thời chủ trương của lãnh đạo TP cũng như của Bộ LĐ-TB-XH đồng thời đốc thúc Ban Giám hiệu TDC cần làm “gấp” hơn nữa để liên tục bắt kịp những đòi hỏi nhân sự chất lượng cao.
Với việc kết nối đào tạo như trên, nhiều năm qua đã có hàng trăm sinh viên ra trường được DN giữ lại làm việc, thậm chí với chương trình đào tạo kép, các em được xem như là nhân viên tập sự chứ không phải đi thực tập đơn thuần và không ít trong số đó được DN trả lương khi được tham gia quá trình đào tạo này.