Khóa đào tạo ToT của SCDC được tổ chức từ tháng 12-2022 đến tháng 2-2023, với sự tham gia của các giảng viên đến từ các trường: Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ thông tin, đội ngũ giảng viên của Trung tâm Đào tạo Khu công nghệ cao, Công ty Synopsys. Xuyên suốt khóa học, các giảng viên được hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các kỹ sư dày dặn kinh nghiệm, bao gồm thiết kế và hướng dẫn thực hành bằng phần mềm thiết kế vi mạch của Synopsys.
Các giảng viên tham gia khóa học sẽ được thiết kế, thực hành trên phần mềm độc quyền của Synopsys |
Người học được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy độc quyền của Synopsys, từ đó xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp với thực tiễn, có thể áp dụng cho công tác giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực.
Trao bằng chứng nhận cho các giảng viên hoàn thành khóa đào tạo |
Trong khoá đào tạo đầu tiên, có 24 giảng viên hoàn thành, đáp ứng đủ điều kiện, được SCDC cấp bằng chứng nhận.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM nhận định, ngành công nghiệp bán dẫn là cốt lõi của công nghiệp điện tử. Theo thống kê, trong năm 2022 ngành công nghiệp điện tử Việt Nam xuất khẩu hơn 120 tỷ USD, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Do vậy cần phát triển thêm nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, kỹ sư có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, hy vọng các giảng viên sẽ lan tỏa kiến thức đến sinh viên, đội ngũ kỹ sư... |
"Chúng tôi kỳ vọng các giảng viên được cấp giấy chứng nhận hôm nay sẽ đào tạo, lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về thiết kế vi mạch sâu rộng đến các bạn sinh viên, đội ngũ kỹ sư nghiên cứu, ứng dụng tại các doanh nghiệp trong thời gian tới. Qua đó, nhằm hướng tới sự phát triển chung của nguồn nhân lực thiết kế vi mạch nói riêng, cũng như ngành vi mạch bán dẫn của đất nước nói chung”, ông Nguyễn Anh Thi chia sẻ.
Theo số liệu của Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, thành phố là nơi tập trung hơn 80% doanh nghiệp và nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Riêng tại khu CNC, vừa có các doanh nghiệp làm về thiết kế vi mạch như SNST Finger&ADT Technology (Hàn Quốc), Microchip (Hoa kỳ); còn có doanh nghiệp làm về đóng gói như Intel (Hoa kỳ), OIEC (Việt Nam); hay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sữa chữa máy móc, thiết bị ngành vi mạch, bán dẫn...
Nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp vi mạch TPHCM, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM và Công ty Synopsys đã thành lập mô hình Trung tâm Thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SHTP Chip Design Center - SCDC) vào ngày 21-10-2022. Nhằm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và vận hành mô hình SCDC.