Hướng đến khán giả học đường
Trong giáo trình giảng dạy chính quy ở các trường phổ thông từ tiểu học, THCS đến THPT hiện đang thiếu những giờ học bắt buộc, mang tính cơ bản nhất về VHNT truyền thống; những tiết học xây dựng quan điểm, tính thẩm mỹ khi tiếp nhận và thưởng thức các loại hình nghệ thuật.
Ngay cả những giờ học ngoại khóa cũng hiếm hoi các hoạt động thực tiễn để học sinh tìm hiểu và mở rộng hiểu biết về các loại hình VHNT. Trong khi đó, hàng loạt dự án, chương trình sân khấu học đường nhằm tuyên truyền, quảng bá, giáo dục âm nhạc dân tộc, nghệ thuật sân khấu truyền thống, đờn ca tài tử, cải lương, hát bội, kịch nói... đã được các đơn vị nghệ thuật bắt tay thực hiện trong hơn 10 năm qua, có lúc rộ lên thành phong trào, có lúc lại lặng lẽ, hoạt động cầm chừng. Không ít đơn vị thực hiện được một thời gian rồi ngưng hẳn vì gặp khó khăn, chủ yếu về kinh phí, khiến hiệu quả không như mong muốn.
Hơn một thập niên qua, những gì đã làm được và đang tiếp tục duy trì của các hoạt động này chỉ mang tính rời rạc, thiếu bài bản, chất lượng và thiếu cả chiến lược dài lâu. Sự phối hợp tổ chức biểu diễn của các đơn vị chuyên môn cũng không chặt chẽ.
Ai cũng hiểu, đối tượng học sinh, sinh viên chính là nguồn khán giả quý, là một trong 3 nhân tố quan trọng của mô hình: người sáng tạo tác phẩm (tác giả, đạo diễn) - người biểu diễn (nghệ sĩ, diễn viên) - người thưởng thức nghệ thuật (khán giả). Các em là lực lượng góp sức duy trì và phát huy sáng tạo VHNT của những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp.
Với lớp khán giả là sinh viên các trường cao đẳng, đại học, việc được tiếp cận, tìm hiểu và thưởng thức VHNT, đặc biệt là nghệ thuật cải lương, còn quá ít ỏi.
Không chỉ ở sân khấu cải lương, việc đào tạo khán giả ở lĩnh vực điện ảnh cũng được một chuyên gia về VHNT người Đan Mạch là Jakob Kirstein Hogel, khi nghiên cứu về điện ảnh Việt Nam, đã chỉ ra tầm quan trọng của việc phát hành phim trong ngành giáo dục cũng như việc giảng dạy về hình ảnh và âm thanh.
Theo ông, việc xem phim nên bắt đầu từ sớm, bởi trẻ em nếu phát triển các thói quen sẽ tồn tại cho đến khi trưởng thành: “Cách tốt nhất để đảm bảo trẻ em có sự hiểu biết về các sản phẩm hình ảnh, âm thanh là đưa vấn đề này vào trường học... Lý tưởng nhất là đưa vào Luật Giáo dục”. Ông cho rằng, tài liệu giảng dạy, hướng dẫn học tập cần phải gắn liền với từng bộ phim, kích thích sự hứng thú của học sinh, không mang nặng tính áp đặt, gò ép.
Chung tay và đồng bộ
Vấn đề cốt lõi của giáo dục và đào tạo khán giả học đường nằm ở dự án, chiến lược được hoạch định như thế nào, những đơn vị nào chịu trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp và thực hiện? Tất cả phải nhằm mục đích: nâng cao tính thẩm mỹ, sự cảm thụ VHNT cho học sinh các cấp học. Từ đó, tạo điều kiện để các em tiếp xúc, kích thích tư duy sáng tạo, mở rộng sự hiểu biết, định hình thói quen thưởng thức, nhất là với VHNT truyền thống.
Với công tác giáo dục học đường, cần có sự bổ sung nội dung giảng dạy VHNT như là những nội dung giáo dục chính; tổ chức các khóa học ngoại khóa về VHNT mang tính thực tiễn, đưa các em đến gần hơn với đời sống VHNT. Công tác chỉ đạo tổ chức và phối hợp thực hiện cần mang tính đồng bộ, không nên để các đơn vị VHNT, các cá nhân phải gồng mình làm đến đâu hay đến đó.
Ở lĩnh vực phim ảnh, cần tạo mối quan hệ đối tác với ngành giáo dục và để ngành giáo dục chịu trách nhiệm cho trẻ em tiếp xúc với phim ảnh, đồng thời huy động tài chính để sản xuất các phim phù hợp cho các em, được xem là phương án tối ưu.
Nên chăng cần học tập mô hình ở các quốc gia phát triển, cho các em trải nghiệm những công đoạn của quá trình làm phim. Đó cũng là tiền đề trong việc phát hiện tài năng điện ảnh, ươm mầm và phát triển để có đội ngũ làm phim chuyên nghiệp trong tương lai.
Ở lĩnh vực âm nhạc cổ điển, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch (HBSO) luôn cố gắng tạo điều kiện để giới trẻ tiếp cận gần hơn với loại hình này qua hàng loạt chương trình nghệ thuật miễn phí hoặc có giá vé rẻ cho sinh viên.
Mới đây, tại buổi ra mắt Dàn nhạc giao hưởng trẻ Sài Gòn (SPYO), nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc nghệ thuật Nguyễn Bảo Anh tâm tư: “Tôi nghĩ, cách hiệu quả nhất để giới trẻ Việt Nam dễ dàng tiếp cận dòng nhạc giao hưởng là thành phố nên có những chương trình âm nhạc cộng đồng để các nghệ sĩ trẻ chủ động chuyện trò, giới thiệu và truyền cảm hứng âm nhạc đến những người trẻ”.
Nghệ sĩ Việt kiều trình diễn nhạc cụ dân tộc Vân - Ánh Võ cũng chia sẻ, bên cạnh việc biểu diễn, để khán giả hiểu được ý nghĩa từng câu chuyện của mỗi ca khúc dân ca, lý, hò… cần có sự chia sẻ, lý giải vẻ đẹp, ẩn ý đằng sau tác phẩm.
TS Đào Lê Na, người sáng lập dự án “Tiếp bước trăm năm”, cho biết dự án do YUME Art Project tổ chức với sự tài trợ của Hội đồng Anh, đào tạo miễn phí, hướng đến đối tượng là những bạn trẻ yêu cải lương, có khả năng ca hát, diễn xuất cải lương trong độ tuổi từ 9 - 19, đang sinh sống trên địa bàn TPHCM.
Dự án mang đến 2 khóa học: Thưởng thức cải lương và Trải nghiệm cải lương. Trong đó, khóa học đầu tiên đào tạo khán giả và đội ngũ phê bình; còn khóa học thứ hai đào tạo người biểu diễn.
“Chúng tôi mong muốn từng bạn trẻ hiểu được cải lương hay như thế nào, mang đậm giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc ra sao, cần thay đổi và điều chỉnh điều gì để bản thân tự nâng cao ý thức gìn giữ và chia sẻ những hiểu biết của họ về cải lương cho bạn bè, cộng đồng”. Dự án có sự tham gia giảng dạy của NSND Bạch Tuyết, TS Lê Hồng Phước, Th.S - nghệ sĩ Huỳnh Khải, đạo diễn Trương Văn Trí và TS Đào Lê Na.
Ngoài ra, các dự án, chương trình sân khấu kịch học đường đang được thực hiện như: “Tôi yêu lịch sử Việt Nam” của ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn; giới thiệu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc cho học sinh các cấp và chương trình “Người trẻ giữ hồn dân tộc” dành cho sinh viên của NGƯT Thúy Hoan - NSƯT Hải Phượng; giới thiệu nhạc dân tộc trong học đường “Hãy nghe và cảm nhận nhạc dân tộc như lời ru của mẹ” của nghệ sĩ Linh Trung; đưa âm nhạc mang âm hưởng dân ca đến với trường học và “Tình ca Bắc Sơn” của CLB sân khấu Lạc Long Quân (trực thuộc Trung tâm Tổ chức và Biểu diễn điện ảnh TPHCM)… cần phải có sự giúp sức từ các cơ quan chức năng để được duy trì, quảng bá rộng khắp trong giới trẻ.
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “TPHCM có hơn 400 trường tiểu học, chưa kể các trường THCS, THPT, nhưng số suất diễn của chúng tôi và nhiều đơn vị, cá nhân tâm huyết với mô hình sân khấu học đường, đến với các trường còn rất khiêm tốn. Chúng tôi chỉ muốn làm và cố gắng hết mình để duy trì trong khả năng có thể... Làm công việc mang tính chất vì lợi ích cộng đồng này, chúng tôi không tính toán chuyện lời lỗ, mà chỉ mong những vở kịch lịch sử hay sẽ đến được với tất cả học sinh, giúp các em hiểu và thêm yêu lịch sử dân tộc”.