Đào tạo đội ngũ cán bộ tài nguyên - môi trường đủ năng lực, phẩm chất

Sáng 31-12, tại Hà Nội, Bộ TN-MT đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành TN-MT. Đến dự có Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Theo báo cáo của Bộ TN-MT, trong năm 2023, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành đã đạt nhiều kết quả quan trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và nhân dân đánh giá cao.

Năm 2024, ngành TN-MT tiếp tục đặt trọng tâm là năm “Đoàn kết - kỷ cương, chủ động - linh hoạt, kịp thời - hiệu quả, phát triển - bứt phá” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực TN-MT cho tương lai bền vững.

Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu mà ngành TN-MT đạt được trong năm 2023, song Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành TN-MT cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thách thức trong giải quyết những vấn đề phát sinh về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

a1a-266.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành TN-MT. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo người đứng đầu Chính phủ, việc tham mưu sửa đổi một số văn bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh còn chưa được kịp thời, chậm so với yêu cầu. Việc triển khai, thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bộc lộ một số vướng mắc. Kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ ở nhiều địa phương còn thấp; tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến…

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý ngành TN-MT coi trọng, làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; phải xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành TN-MT tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất; tổ chức triển khai thi hành luật ngay sau khi được thông qua, cùng với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đồng thời, tổ chức xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội trong năm 2024; tiếp tục rà soát tháo gỡ các vướng mắc ở các văn bản dưới luật để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngành cũng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; phân cấp, ủy quyền tối đa, những gì địa phương có thể làm được, làm tốt thì để địa phương làm.

Đơn cử, theo Thủ tướng, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện nay còn rất rườm rà, 10ha lúa, 20ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội, cản trở sự phát triển. Do đó, cần phân cấp cho địa phương quyết định vấn đề này.

Tin cùng chuyên mục