Đào tạo một đằng, cấp bằng một nẻo
PGS-TS Vũ Hữu Đức, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, cho biết đào tạo e-learning đã có từ lâu ở các nước phát triển nhưng tại Việt Nam chỉ mới triển khai ở một số trường ĐH, chủ yếu từ năm 2013 đến nay. Các tổ chức quốc tế xếp Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về tốc độ phát triển e-learning.
Hiện có 16 cơ sở giáo dục ĐH tại Việt Nam cung cấp các khóa học trực tuyến theo các hình thức: trực tuyến hoàn toàn, hình thức blended (kết hợp giữa học truyền thống và trực tuyến) hoặc một phần các môn học. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số bất cập, thiếu đồng bộ trong đào tạo e-learning.
Đó là, Trường ĐH Mở Hà Nội triển khai đào tạo trực tuyến từ năm 2009, đến nay có 7 ngành (Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành).
Còn Trường ĐH Mở TPHCM triển khai từ năm 2016 và đến nay đang đào tạo 9 ngành (Kế toán, Kinh doanh quốc tế, Quản trị nhân lực, Quản trị kinh doanh, Kiểm toán, Ngôn ngữ Anh, Tài chính ngân hàng, Luật học, Luật Kinh tế). Số lượng sinh viên theo học chương trình trực tuyến lên đến hàng ngàn người.
Trong khi đó, nhiều trường ĐH khác lại sử dụng hình thức đào tạo kết hợp để tạo thuận lợi cho người học. TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết ĐH Quốc gia TPHCM hiện có 3 trường (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Bách khoa, ĐH Công nghệ thông tin) phát triển đào tạo từ xa và dạy kết hợp.
Ngay trong Quy chế đào tạo của ĐH Quốc gia TPHCM cũng quy định rất rõ là một chương trình đào tạo được áp dụng tối đa 20% tín chỉ học online.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM sau 5 đổi mới chương trình đào tạo, số khóa học theo hình thức online tăng từ 17 khóa ở năm học 2013-2014 lên 45.000 khóa trong học kỳ 1 năm 2017-2018 với 5 triệu lượt truy cập/học kỳ, giúp người học (từ sinh viên đến học viên cao học) có thêm cơ hội học tập, tăng kỹ năng, kiến thức và giờ học linh hoạt…
Năm 2017, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mở rộng áp dụng hình thức đào tạo kết hợp cho tất cả các khoa và cả chương trình sinh hoạt đầu khóa cho sinh viên. Đến nay, đối với sinh viên hệ liên thông, vừa làm vừa học, với khoảng 70% kiến thức các môn học đại cương, môn cơ sở ngành được giảng dạy theo hình thức học tập online với hệ thống bài giảng được ghi âm, ghi hình, diễn đàn trao đổi. Đến nay, trường có hàng chục ngàn sinh viên đăng ký học và tỷ lệ hoàn thành môn học đạt 86% - 94,8%.
Cần cơ sở pháp lý rõ ràng
Theo PGS-TS Vũ Hữu Đức, lợi thế của đào tạo trực tuyến là đơn giản và dễ tiếp cận người học, linh hoạt, chủ động định hướng học tập và học mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, đào tạo trực tuyến cũng có nhược điểm là thực hành thí nghiệm không được như đào tạo truyền thống, rèn luyện kỹ năng bị hạn chế, hạ tầng công nghệ, giáo trình chưa đáp ứng được yêu cầu, tài liệu học tập bị sao chép khiến giảng viên ngại đưa tài liệu lên mạng. Đặc biệt, cho đến nay vẫn chưa có quy chế đào tạo trực tuyến để làm cơ sở pháp lý.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ mới ban hành Thông tư 21 về quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng với các nội dung như điều kiện, nội dung đào tạo qua mạng, tổ chức thực hiện; trách nhiệm trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng… chứ chưa nói đến bằng cấp của loại hình đào tạo trực tuyến. |
Đặc biệt, các trường cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT nhanh chóng xây dựng, ban hành các quy định về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với hình thức đào tạo trực tuyến. Bởi thực tế, dù hiện nay Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều quy chế đào tạo với nhiều bậc và loại hình đào tạo nhưng chưa có quy chế đào tạo trực tuyến.
PGS-TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng các trường ĐH phải nhìn thấy tiềm năng của loại hình đào tạo e-learning, chủ động và tích cực để phát triển loại hình đào tạo này. Trong đó, người đứng đầu đơn vị đóng vai trò rất quan trọng. Nếu hiệu trưởng quyết liệt, xem trọng vai trò của hình thức đào tạo trực tuyến song song với hình thức đào tạo truyền thống sẽ góp phần mở rộng cơ hội học tập, nâng cao kiến thức cho người học.
“Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang xây dựng và sẽ sớm ban hành quy chế đào tạo chính quy trực tuyến, tạo hành lang pháp lý để các trường đẩy mạnh hình thức đào tạo này”, PGS-TS Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.