Tại lễ khai giảng, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, qua thời gian tuyển chọn, đến nay 58 học viên sơ tuyển đủ điều kiện tham gia đào tạo, trong số đó có duy nhất một nữ là chị Phạm Thị Thu Thảo. Công tác đào tạo sẽ đồng bộ với tiến độ dự kiến đưa vào khai thác tuyến Metro số 1 vào tháng 12-2021. Theo đó, 58 học viên là những người tiên phong nắm bắt công nghệ vận hành tuyến Metro số 1.
Ông Phạm Văn Chánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt (đơn vị đào tạo) cho biết, theo kế hoạch, việc đào tạo 58 lái tàu gồm 3 giai đoạn chính với thời gian khoảng 15 tháng, từ tháng 7-2020 đến tháng 9-2021. Theo đó, giai đoạn 1 đào tạo cơ bản, giai đoạn 2 đào tạo chuyển giao công nghệ; giai đoạn 3 sẽ tiến hành thi sát hạch và do Cục Đường sắt Việt Nam cấp giấy phép lái tàu… Theo ông Chánh, thời gian qua, trường đã phối hợp đào tạo lái tàu xuất khẩu sang Đức. Năm 2018, trường đào tạo 600 nhân viên Metro Cát Linh - Hà Đông, nay đang đào tạo 500 nhân sự vận hành tuyến Nhổn - ga Hà Nội.
Đại diện nhà thầu NJPT, ông Masuzawa, Giám đốc dự án cho biết, tuyến đường sắt Metro số 1 là dự án đầu tiên sử dụng công nghệ Nhật Bản. Vì vậy, đây cũng là lần đầu tiên các chuyên gia Nhật chuyển giao công nghệ trực tiếp, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật về công nghệ vận hành metro cho TPHCM. 58 học viên này nắm giữ công nghệ mà Nhật Bản chuyển giao sẽ giúp ích cho phát triển metro tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, tuyến Metro số 1 dài 19,7km hiện đã đạt 75% khối lượng công việc. Hiện chủ đầu tư, nhà thầu đang tăng tốc thi công để đưa tuyến Metro số 1 vào khai thác vào cuối năm 2021.