Còn khoảng 10 ngày nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tý, trong khi đào bích, đào phai của vùng Nhật Tân, Phú Thượng (Tây Hồ-Hà Nội), La Cả (Hà Đông-Hà Tây), Gia Xuyên (Gia Lộc-Hải Dương), Nam Điền, Cổ Lễ (Nam Trực-Nam Định)… vẫn chưa xuất hiện ra thị trường nhưng đến chiều qua 26-1, loại đào rừng (với những cành mộc, khẳng khiu, vỏ sù sì, mốc, đã có tuổi hàng chục năm, lớt phớt nụ) đã tràn ngập ở các “chợ” chuyên buôn bán đào rừng của Hà Nội.
Kéo suốt một đoạn dài 4-5km dọc đê Yên Phụ, Nghi Tàm từ Phú Thượng đến dốc Quảng Bá, cả rừng đào cành được chất bên vệ đường, chân đê mời chào khách.
Năm nay, giá đào rừng đắt bất thường. Cành cỡ trung bình là 5-7 triệu đồng. Cành lớn, chủ đòi 12 triệu đồng, mặc cả không bán. Đặc biệt, có những cành lên tới 22 triệu đồng, thân to, vỏ dày, ước chừng 40-50 năm tuổi. Phần lớn các chủ buôn đều cho biết đào được bán lấy từ Sa Pa (Lào Cai) xuống.
Khi được hỏi nguyên nhân khiến giá đào tăng vọt so với tết trước, một chủ hàng bảo: “Năm nay vùng Sa Pa đã bắt đầu hiếm đào rồi. Phải đi vào tận những bản xa như Trung Chải, Tả Phìn, Tả Giàng Phìn, Nậm Cang… mới kiếm được đào do mấy năm trước đã chặt ráo riết”.
Chiều qua, tuyến đường Yên Phụ đã liên tục bị tắc nghẽn bởi những chuyến xe tải chở cả rừng đào từ núi về tiêu thụ. Tình trạng chặt phá đào rừng quá mức đã làm cho rừng bị tàn phá nghiêm trọng. Phần lớn những cây đào rừng phải 40-50 năm sau mới có thể tái sinh được như hiện tại.
VĂN PHÚC HẬU