Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, rạng sáng nay, 24-11, tại huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã có mưa lớn kèm gió mạnh. Người dân huyện đảo cả đêm mất ngủ vì lo bão tới, nhiều cây xanh đã bị bật gốc, sóng biển đang dâng cao.
Theo dự báo, huyện đảo Phú Quý là nơi đầu tiên ảnh hưởng từ bão số 9 nên công tác ứng phó đã được triển khai quyết liệt.
Sáng 24-11, do ảnh hưởng bởi cơn bão số 9, tại khu vực huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã có mưa lớn kèm gió thổi mạnh. Đêm qua và rạng sáng nay, nhiều người dân huyện đảo đã ngủ không yên giấc vì lo lắng cơn bão sẽ đổ bộ. Trong khi đó, nhiều chủ nhà nghỉ, khách sạn ở huyện đảo đã phát đi thông báo sẽ sẵn sàng mở cửa đón tiếp bà con vào ở miễn phí nếu bão số 9 ập vào huyện đảo.
Sáng nay, đảo Phú Quý có mưa lớn kèm gió thổi mạnh, bầu trời mây kéo đen kịt. Ảnh: ĐỨC TÍN
Theo ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, công tác ứng phó với con bão số 9 đã hoàn tất từ chiều hôm qua 23-11. Hiện tại, tất cả tàu thuyền cùng ngư dân đã vào nơi tránh trú bão an toàn, bà con đã tổ chức gia cố lại nhà cửa, bè nuôi thủy sản... an toàn. Bên cạnh đó, nhiều cây xanh ven đường cũng đã được lực lượng chức năng và người dân cắt tỉa gọn gàng.
Mưa kèm gió lớn xuất hiện trên đảo Phú Quý từ rạng sáng nay 24-11. Ông Nguyễn Văn Linh cho biết thêm, bão số 9 dự kiến sẽ đổ bộ vào đảo trong hôm nay, nên UBND huyện đã cử các đơn vị liên quan dùng xe lưu động thông báo liên tục tình hình thời tiết đến bà con. Đồng thời, khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, nhất là khi có bão đổ bộ.
Ghi nhận vào sáng cùng ngày, đảo Phú Quý đã có mưa lớn kèm gió thổi mạnh, một số cây xanh đã bị gió thổi bật gốc, sóng biển đang dâng cao.
Cây xanh bị bật gốc vào sáng 24-11 Anh Trần Đức Tín (người dân huyện đảo Phú Quý) cho biết, con bão này rất giống với cơn bão Durian xảy ra năm 2006 nên bà con rất lo lắng, cả đêm không ngủ được.
Năm 2006, bão Durian càn quét qua 12 tỉnh thành, làm trên 100 người chết và mất tích. Tại đảo Phú Quý, bão Durian làm 6 người bị thương, 1.700 nhà sập, 628 tàu thuyền bị chìm.
Người dân Phú Quý đã hoàn tất việc chằng chống nhà cửa trước khi bão số 9 đổ bộ. Ảnh: ĐỨC TÍN Hiện nay, để chủ động ứng phó với con bão số 9 sắp đổ bộ, ngành chức năng huyện Phú Quý đã tổ chức di dời 189 hộ dân, với 912 người dân ở các điểm xung yếu đến nơi an toàn. Công tác bố trí các khu vực để người dân trú bão cũng đã được hoàn tất. Ngoài các khu vực đã được UBND huyện Phú Quý bố trí để người dân tránh bão, một số nhà nghỉ, khách sạn ở huyện đảo như: Nhà nghỉ Thái Bình, khách sạn Hưng Phát,... đã phát đi thông báo sẵn sàng mở cửa đón người dân vào ở miễn phí khi bão đổ bộ.
Sáng sớm 24-11, những ảnh hưởng đầu tiên của cơn bão số 9 đã xuất hiện tại TP Vũng Tàu với cơn mưa nặng hạt và có gió thổi mạnh khiến hàng trăm du khách nháo nhào.
Theo kế hoạch trong buổi sáng nay, TP Vũng Tàu sẽ di dời 36.752 người/16.500 hộ ra khỏi những vùng gần biển, gần núi có nguy cơ sạt lở cao. Trong cuộc họp ngày 23-11, điều mà lực lượng Biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lo lắng là việc di dời hơn 700 người dân tại 11.361 lồng nuôi trên các sông bởi ở những đợt di dời của các cơn bão trước, người dân rất ngoan cố, đã đưa vào bờ rồi lại quay lại giữ tài sản trên lồng. Đại điện UBND TP Vũng Tàu cho biết sẽ phối hợp lực lượng chức năng cương quyết đưa người dân lên bờ tránh trú bão.
Tối qua 23-11, tại Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu (TP Vũng Tàu), Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã họp với các đơn vị liên quan và ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó với mọi tình huống của bão số 9. Không để bất cứ tàu container nào trên tuyến hàng hải. Hiện các tàu lớn đã được Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu bố trí sắp xếp vào những vị trí an toàn
NGUYỄN TIẾN -NÔNG NGÂN