Đạo Phật và đạo Bụt có khác nhau không?

Hỏi:
Đạo Phật và đạo Bụt có khác nhau không?

Hỏi: Xin cho biết xuất xứ hai từ “Phật” và “Bụt”. Đạo Phật và đạo Bụt có khác nhau không?
Từ Tâm (đường Nguyễn Oanh, Gò Vấp)

Đạo Phật và đạo Bụt có khác nhau không? ảnh 1

KHÁNH TƯỜNG: Phật và Bụt đều là phiên âm của từ gốc Boudha, tiếng Phạn có nghĩa là Đấng Giác Ngộ. Bụt là phiên âm trực tiếp từ tiếng Phạn sang tiếng Việt nên là tiếng thuần Việt (Nôm=Nam). Phật là phiên âm từ chữ Boudha sang chữ Hán: Phật Đà, gọi tắt là Phật.

Đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang nước ta theo 2 con đường: trực tiếp và gián tiếp. Các nhà sư Ấn Độ đã đến nước ta từ thế kỷ thứ 2. Luy Lâu sớm trở thành một trung tâm Phật giáo. Nhà sư Đàm Thiên từ đời nhà Tùy có nhận xét: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc.

Phật Giáo truyền đến Trung Hoa chưa phổ cập đến Giang Đông mà xứ ấy đã xây ở Luy Lâu hơn 20 bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được hơn 15 bộ kinh rồi. Thế là xứ ấy theo đạo Phật trước ta”. Do việc truyền trực tiếp đó mà Boudha, từ đầu Công nguyên, được phiên âm sang tiếng Việt là Bụt (Bụt nhà không thiêng, gần chùa gọi Bụt bằng anh).

Đạo của Cakya Mouni được gọi là đạo Bụt. Đến thế kỷ thứ 4, thứ 5 Phật giáo Đại thừa từ Trung Quốc mới truyền sang ta. Chữ Boudha phiên âm sang chữ Hán là Phật Đà. Ảnh hưởng của thời kỳ Bắc thuộc, Phật giáo Đại thừa (còn gọi là Bắc Tông) dần dần lấn át Phật giáo Tiểu thừa (còn gọi là Phật giáo nguyên thủy hay Nam Tông). Chữ Phật cũng dần dần thay thế cho chữ Bụt vì các tăng lữ Bắc Tông dùng kinh viết bằng chữ Hán. Chữ Bụt chỉ còn trong ngôn ngữ dân gian.

Tin cùng chuyên mục