Núi Mắng Trời… kêu cứu
Một số bô lão ở thôn Chánh Lý kể lại, núi Mò O từ bao đời nay đã gắn liền với đời sống tinh thần của họ. Núi này còn có tên Mạ Thiên Sơn (Núi Mắng Trời), trên núi có di tích hố Đá Hang, mã Bảo Hiểm (thường chôn cất con cháu vua chúa nhà Nguyễn), giếng tiên và bàn cờ tiên, cột cờ quân đội… Mò O được sách Đại Nam Nhất thống chí ví như một cái giá bút nghiêng trời. Trong Nước non Bình Định (Quách Tấn) chép rằng, hòn Mò O tiếp nhận đến hai sơn mạch kết hợp thành “Lưỡng Long nhập thủ”, nghĩa là hai con rồng vào một chiếc đầu. Và hòn Mò O là “Đình Tức Long” tức là “Con Rồng dừng lại để thở” rồi chạy xuống bảy hòn núi đất ở Chánh Mẫn (Phù Cát) cách chừng ba cây số mới dừng lại.
Ông Đặng Ngọc Hùng (44 tuổi) – đại diện người dân thôn Chánh Lý kể: Hơn 3 tháng nay, núi Mò O đang dần bị quật ngã bởi nạn khai thác đất, đá trái phép. Bao đời nay, dân làng có tổ tiên mất đều đem lên đó chôn cất, giờ doanh nghiệp (DN) phá núi, mồ mả của tổ tiên của người dân nơi đây cũng bị phá. Hiện dòng họ Đặng mất đi 3 ngôi mộ, tìm không ra dấu do Công ty Hiếu Ngọc (có địa chỉ tại huyện Tây Sơn, Bình Định) ủi phá để mở đường vào trộm đất. Các DN khai thác kiểu ồ ạt, cẩu thả làm biến dạng sườn núi, nhiều vị trí mọi đào quá sâu gây nguy cơ sạt lở núi, làm bồi lấp, hoang hóa 2 cánh đồng Mò O và đồng Đình Ngang rộng 8ha nằm sát chân núi Mò O mỗi khi mưa lũ về.
Có cán bộ bán núi
Người dân thôn Chánh Lý đưa ra bằng chứng tố cáo cán bộ, lãnh đạo thôn Chánh Lý và xã Cát Tường cùng gia đình của họ đã âm thầm bán đất trồng rừng trên núi Mò O, tiếp tay cho đất tặc. Cụ thể, các ông: Võ Tấn Tài (nguyên Bí thư thôn Chánh Lý), Lê Thành Tiến (nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư xã Cát Tường), Võ Tấn Sơ (em trai ông Võ Tấn Đông) và Đoàn Văn Tuấn (con rể ông Đông)…
Làm việc với PV Báo SGGP Online, ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường thừa nhận, ông Võ Tấn Tài bán đất trồng rừng ở núi Mò O cho DN khai thác đất trái phép đã bị Đảng ủy xã Cát Tường kỷ luật, cách chức Bí thư Chi bộ thôn. Còn ông Lê Thành Tiến đã bán đất cho Công ty 98 (Công ty xây dựng Trường Sơn) khai thác trái phép. Trước đó, UBND xã Cát Tường đã phát hiện và từng lập biên bản yêu cầu ông Tiến dừng lại…
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Võ Tấn Đông (Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường) cũng thừa nhận việc em trai ông là Võ Tấn Sơ và con rể là Đoàn Văn Tuấn, bán đất rừng trồng trên núi Mò O cho Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm (thị xã An Nhơn Bình Định), khai thác đất trái phép. “Con rể tôi, do nó lén lút bán tui không biết chuyện. Sau này khi phát hiện, tui yêu cầu nó dừng ngay. Còn em trai tui, tui với nó đã cắt đứt quan hệ với nhau lâu rồi. Bây giờ do nó lớn rồi nó muốn tự lập, mình làm anh nói nó không nghe nên không thể can thiệp được…”, ông Đông giải thích.
Ông Đông cũng thừa nhận thêm việc ông Lê Thành Tiến (nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường) bán đất trồng rừng trên núi Mò O cho Công ty 98 khai thác đất và xã đang tiến hành chỉ đạo chi bộ kiểm điểm.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Thành Tiến phủ nhận và cho rằng ông không có bán đất trồng rừng trên núi Mò O cho doanh nghiệp. Sau đó ông Tiến lại nói rằng: “Tui cũng có lô đất trồng cây trên núi Mò O. Do khu vực phía dưới nhiều cây gai nên anh, em họ xin đào lấy đất, dọn cho sạch gai gốc đi để nay mai trồng cây cho dễ chứ có gì đâu (!?)”.
Ông Trương Bá Vinh - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Bình Định) khẳng định, trên địa bàn xã Cát Tường hiện chưa có một mỏ đất nào được cấp phép. Núi Mò O không nằm trong quy hoạch để lấy đất, nên việc các DN tự ý đến đây để lấy đất là vi phạm luật khoáng sản, hồ sơ môi trường không kiểm duyệt được, sẽ phát sinh ô nhiễm môi trường…
Theo các hồ sơ do ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cát Tường cung cấp, từ tháng 2 đến tháng 4-2019, UBND xã Cát Tường liên tục phối hợp với người dân thôn Chánh Lý kiểm tra, phát hiện và lập 9 biên bản vi phạm đối với các Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm (Công ty Bình Diễm, thị xã An Nhơn, Bình Định); Công ty xây dựng Trường Sơn (Công ty 98); Công ty TNHH xây dựng Trường Quang (xã Cát Tường); Công ty Hiếu Ngọc (huyện Tây Sơn, Bình Định);… Riêng với Công ty Bình Diễm có đến 5 vi phạm, nhưng vẫn tiếp tục huy động máy móc, phương tiện ngang nhiên hoạt động. Còn Công ty Hiếu Ngọc đưa máy móc đến ủi phá nhằm 3 ngôi mộ của dòng họ Đặng ở làng Chánh Lý nên bị dân làng chặn lại. |