Đây là hoạt động lễ thức dân gian được bà con các tộc họ trên đảo Lý Sơn lưu truyền hàng trăm năm nay, nhằm tưởng nhớ công ơn của các Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa có công trong việc cắm mốc bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Các bô lão thực hiện nghi thức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa |
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Theo sử liệu ghi chép lại, vào thế kỷ XVII, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội của đảo Lý Sơn để sung vào Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ, cắm mốc khẳng định chủ quyền.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ thức dân gian được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức thường xuyên vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm.
Cúng tế trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa |
Đọc văn khấn |
Ông Bùi Văn Cảnh, Trưởng Ban khánh tiết Đình làng An Hải cho biết: “Lễ Khao lề nhằm để tưởng nhớ, cầu mong cho ngư dân phát triển, làm ăn tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền. Cầu mong ngư dân bình an trở về quê hương.”
Huyện đảo Lý Sơn hiện có hơn 3.000 ngư dân, hơn 500 tàu thuyền, trong đó hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân Lý Sơn luôn đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại, vươn khơi bám biển.
Thả thuyền tế ra biển |
Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Trương Văn Sửu, Trưởng Phòng Văn hoá - Thể thao huyện đảo Lý Sơn cho biết: “Hàng năm, chúng tôi tham mưu UBND huyện chỉ đạo trong công tác bảo vệ, giới thiệu cho du khách, bạn bè gần xa những di sản văn hoá có ý nghĩa truyền thống trên đảo Lý Sơn. Chúng tôi cũng có kế hoạch thường xuyên trùng tu, sửa chữa các hạng mục, phục vụ cho việc tổ chức các lễ nghi tại hai làng An Vĩnh và An Hải”.