Đạo luật nhân văn

Hiện tại có 120 triệu người châu Âu bị khuyết tật, con số này một phần là do số lượng người cao tuổi tăng lên trong thời gian gần đây. Chính vì vậy, Liên minh châu Âu (EU) đề ra mục tiêu đến năm 2022, tất cả các quốc gia thành viên phải hoàn thiện Đạo luật Tiếp cận nhằm giúp người khuyết tật dễ dàng hơn.

Ngoài việc cải thiện cơ sở hạ tầng, luật mới cũng tìm cách đảm bảo nhiều sản phẩm và dịch vụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc sách điện tử đều có thể giúp người khuyết tật truy cập dễ dàng.

Khả năng tiếp cận được coi là chìa khóa cho các quyền cơ bản khác như nhập cảnh vào nơi làm việc, giáo dục, dịch vụ công cộng, giải trí… Luật mới còn nhắm tới việc cải thiện hoạt động của thị trường nội địa đối với các sản phẩm, dịch vụ và tiến tới loại bỏ hoàn toàn các rào cản do luật các nước thành viên. 

Konrad Rychlewski, một lập trình viên công nghệ thông tin, bị khiếm thị sống ở thủ đô Warsaw (Ba Lan - một trong những thành phố lớn của châu Âu với hệ thống giao thông công cộng dày đặc) cho biết, những cải tiến trong giao thông công cộng đã tạo ra sự khác biệt lớn cho cuộc sống của ông. “Xung quanh trạm dừng xe điện và tàu điện ngầm đều có những nơi dành riêng cho chúng tôi, các cột đèn giao thông được gắn thêm tín hiệu thính giác, an toàn là lợi ích hàng đầu, điều này rất có ý nghĩa với tôi vì nó mang lại cảm giác chất lượng cuộc sống như một công dân bình thường”.

Trong khi đó, đối với Katarzyna, một thông dịch viên tự do, Đạo luật Tiếp cận mang đến cho cô một lối sống đầy đủ và năng động hơn: “Mọi việc trở nên thực sự thuận lợi. Tôi cũng có thể chủ động hơn với tư cách là một nhà hoạt động và tôi còn có thể gặp gỡ bạn bè của mình trong các môi trường khác nhau”.

Thành phố Warsaw đã dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để cố gắng cải thiện khả năng tiếp cận và giành được Giải thưởng Thành phố dễ tiếp cận nhất châu Âu năm 2020. Ông Pawel Rabiej, Phó Thị trưởng Warsaw, cho biết, mọi công trình được xây mới ở Warsaw đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn và luôn tạo thuận lợi để mọi người, mọi giới đều tiếp cận dễ dàng. Chúng tôi muốn Warsaw là một thành phố cho tất cả mọi người. 

Tuy nhiên, hiện nay Đạo luật Tiếp cận vẫn còn điều bất cập do chú trọng quá nhiều về các ứng dụng công nghệ kỹ thuật số mà thiếu các tiêu chuẩn về môi trường xây dựng, giao thông công cộng, không gian công cộng… Không phải tất cả các thành phố hiện đại đều có thể hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận các phương tiện môt cách dễ dàng. Ví dụ như trường hợp của Nadia Hadad, thành viên Ban Điều hành của Diễn đàn người khuyết tật châu Âu, một tổ chức chuyên bảo vệ quyền của người khuyết tật, đã không thể tới được ga tàu điện ngầm như mong muốn, phải nhờ hai người bạn ở thủ đô Brussels (Bỉ) đi cùng đến nhà ga và sau đó đưa cô quay về.

Katrin Langensiepen, người phụ nữ khuyết tật đầu tiên và duy nhất được bầu vào Nghị viện châu Âu, khẳng định vẫn còn nhiều việc cần làm để giúp đỡ những người khuyết tật. Hầu như không có cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Các công ty chấp nhận trả tiền bồi thường hoặc tiền phạt hơn là đào tạo hoặc thuê một người khuyết tật. 

Hiện Katarzyna, Konrad và Katrin đều đang làm việc hết mình để có khả năng tiếp cận lớn hơn. Tất cả họ đều đồng ý rằng định kiến, sự phân biệt và thiếu tầm nhìn là những trở ngại chính cho sự bình đẳng.

Tin cùng chuyên mục