“Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi”
Tại chương trình Người con hiếu thảo cấp thành phố năm 2017 do Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Liên hiệp Thanh niên TPHCM phối hợp thực hiện có nhiều câu chuyện gây xúc động lòng người, được kể bằng những giọt nước mắt lẫn niềm hạnh phúc tự hào. Đó là những người con, cháu, dâu, rể với nhiều hoàn cảnh khác nhau không chỉ là gương sáng về lòng hiếu thảo họ còn vượt qua thành công những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống.
Mối quan hệ mẹ chồng - con dâu tưởng chừng là câu chuyện đối đầu muôn thuở giữa những “nội tướng” trong gia đình, thậm chí ngay cả khi người chồng ra tay giải quyết mâu thuẫn vẫn chưa thể giải quyết êm xuôi.
Với chị Ngô Thị Phương Kiều (xã Thới Đông, huyện Cần Giờ) không chỉ chăm sóc mẹ chồng bệnh nặng nhiều năm, khi chồng không may qua đời chị lại thay anh vừa chăm lo cho cha mẹ chồng, vừa là trụ cột kinh tế của gia đình lo cho hai con ăn học. Quỹ thời gian một ngày của chị xoay vòng từ sáng sớm vừa chuẩn bị cơm nước cho cả nhà, vừa chuẩn bị cho quán cơm của gia đình, thời gian vắng khách chị còn gia công giấy tiền vàng mã để kiếm thêm. Mẹ chồng bệnh nặng nhiều năm một tay chị lo từ thuốc thang, vệ sinh cá nhân đến miếng ăn giấc ngủ. Nhìn vào người phụ nữ xinh đẹp trẻ trung ấy thật khó để hình dung chị có thể gánh từng ấy nhọc nhằn trên vai mình.
Chị Kiều chia sẻ: “Ba mẹ là của chung, tôi thay chồng chăm sóc là đương nhiên. Các con tôi thiếu vắng sự chăm sóc của cha thì mình là mẹ phải cố gắng vừa làm cha vừa làm mẹ để cho con điều tốt nhất. Tôi gần gũi, chứng kiến cha mẹ chồng bệnh tật cũng thương hơn cho cha mẹ ruột của mình, một tháng cố gắng thu xếp về thăm nhà ở quê một lần, còn lo được ngày nào thì cố gắng ngày ấy, cha mẹ già như chuối chín cây mà”. Lời chia sẻ của chị gợi nhớ bài thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh: Phải đâu mẹ của riêng anh/Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi.
Cô Bùi Thị Kim Cúc (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 1, phường Thạnh Xuân, quận 12) năm nay đã 56 tuổi, kể chuyện cuộc đời mình của 20 năm trước khi mẹ cô vẫn còn là chi hội trưởng. Từ nhỏ cô đã sống trong gia đình rất đông thành viên, rồi các anh chị em dần trưởng thành và rời đi xây dựng gia đình riêng. Mẹ và dì cô bắt đầu trở bệnh, chị gái lại phải vào viện vì tai nạn. Áp lực đè nặng lên cô khiến nghị lực và ý thức về trách nhiệm của mình trong gia đình vươn lên mạnh mẽ. Bên vòng tay bè bạn và người thân cô đã đưa gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định thu nhập gia đình. Những năm tháng chăm nom cho gia đình qua đi nhanh như một cái chớp mắt, nay mẹ cô đã 92 tuổi, dì ruột đã gần tuổi 80. Khi bạn bè đồng trang lứa xây dựng gia đình riêng cô vẫn miệt mài chăm nom cho mẹ cho dì, vừa đối phó với tuổi tác của chính mình đang ập đến.
Khi được hỏi về ước mơ cho riêng mình, cô Cúc chia sẻ: “Tôi chỉ ước mình có sức khỏe để chăm nom cho mẹ và dì. Thực ra tôi thấy việc làm của mình rất bình thường, khi mình còn nhỏ cha mẹ nuôi dạy mình thì khi cha mẹ già yếu mình phụng dưỡng là chuyện đương nhiên. Xung quanh tôi có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn và đáng phục hơn nữa, chỉ mong sao mình có nhiều sức khỏe, đồng hành cùng nhiều hoạt động cộng đồng để thấy mình còn sức lực có ích cho xã hội”.
Những người đàn ông của gia đình
Thầy giáo khiếm thị Nguyễn Phước Thiện (phường 1, quận 3) sống chung với mẹ già hơn 60 tuổi. Một người đàn ông bình thường chăm nom cho người lớn tuổi vốn không phải là việc dễ dàng, huống hồ gì là với người khiếm thị như anh. Vừa bên cạnh mẹ những lúc trái gió trở trời vừa tự quán xuyến nhà cửa, anh Thiện còn có hẳn các hoạt động thiện nguyện cho riêng mình.
Anh chia sẻ: “Lúc trước tôi có đi dạy ở nhiều nơi, thậm chí xa nhà, về sau tôi tổ chức dạy qua mạng hoặc dạy kèm tại nhà để có thời gian chăm sóc mẹ hơn. Từ đây tôi cũng có điều kiện tổ chức các hoạt động từ thiện, gây quỹ học bổng từ các học viên của mình. Chỉ làm các chương trình nhỏ chia sẻ với cộng đồng thôi, không phải là đội nhóm gì lớn lao hết”.
Lời bộc bạch khiêm nhường của người giáo viên tiếng Anh này khiến nhiều người không khỏi xúc động, như những nghịch cảnh xung quanh anh thật nhẹ nhàng như cuộc sống hàng ngày vẫn thế.
Một người đàn ông điềm tĩnh khiêm tốn khác của Người con hiếu thảo 2017 là em Nguyễn Hồng Sơn (sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II). Sơn sống với bà ngoại tuổi đã cao và người mẹ bị bệnh tâm thần. Năm 2014, mẹ Sơn bỏ nhà ra đi và thất lạc suốt 3 năm. Ba năm ròng rã Sơn đi tìm mẹ khắp nơi, từ họ hàng đến các trung tâm bảo trợ xã hội. Mãi đến tháng 8 năm nay, Sơn mới có được liên lạc từ mẹ. Mẹ em được Trung tâm điều dưỡng tâm thần Tân Định tiếp nhận và điều trị. Khi bà dần hồi phục và nhớ ra gia đình, trung tâm mới có thể liên hệ với người thân. Hiện nay, mẹ Sơn vẫn còn phải điều trị ở trung tâm. Khác với tuổi ăn tuổi học của bạn bè đồng trang lứa, một tay Sơn vừa chăm nom cho bà ngoại già yếu, vừa làm thêm để trang trải việc học.
Ước mơ của Sơn là trở thành chuyên viên thiết kế đồ họa, một nghề khá tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian rèn luyện. Chàng trai 21 tuổi này chia sẻ: “Em cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ bạn bè, sắp tới em sẽ đi thực tập và cố gắng thể hiện thật tốt để sớm có công việc ổn định kinh tế cho gia đình. Khi được hỏi về động lực vượt qua nghịch cảnh từ gia đình, Sơn cười đáp: “Em cũng quen rồi ạ, giờ em chỉ mong mẹ mau bình phục để được về với gia đình. Em rất nhớ mẹ”.
Người con hiếu thảo đã đi được hành trình 22 năm, là nơi phát hiện, khích lệ tinh thần của bao tấm gương sáng giữa đời thường, không chỉ là người người con, người cháu hiếu thảo họ còn chiến thắng nghịch cảnh, trở thành những người giỏi trong lĩnh vực của họ, những mạnh thường quân cho những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, truyền động lực, nguồn cảm hứng và niềm tin không ngừng cho những giá trị tốt đẹp. Chúng ta có đủ niềm tin rằng không chỉ là 48 gương điển hình của Người con hiếu thảo năm 2017, bên ngoài cuộc sống ồn ào tất bật ngoài kia vẫn còn những con người thầm lặng giữ trọn hiếu đạo và lòng nhân ái dẫu cuộc sống có tất bật và còn nhiều khó khăn.