Vì cuộc sống khó khăn nên thanh niên trai tráng lũ lượt rời đảo về đất liền mưu sinh, trên đảo chỉ còn lại người già, trẻ em và phụ nữ. Cũng vì thế, suốt chặng dài, Nhơn Châu còn được gán với cái tên “đảo của người già” hay “đảo già”…
Ký ức
Đặt chân lên đảo, ông Nguyễn Đức Trận, Bí thư Đảng ủy xã đảo Nhơn Châu, bảo rằng, đảo Nhơn Châu không chỉ có ký ức của con người mà còn mang ký ức của những ngôi làng thuần Việt nhất. Thật vậy, theo nhà văn hóa Đinh Bá Hòa (từng làm việc tại Bảo tàng Bình Định), căn cứ vào các tài liệu địa chất, văn hóa để lại, đảo Nhơn Châu có một làng biển người Việt cổ hàng trăm năm tuổi. Ngoài ra, từ thế kỷ XV, người Chăm đã ra đảo sinh sống, dấu tích cư trú của họ để lại trên đảo khá rõ nét…
Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Lem (61 tuổi), xưa kia Nhơn Châu gần như biệt lập giữa biển, sống cảnh leo lét đèn dầu, thiếu thốn trăm bề. “Trên đảo có 2 cái giếng, nhưng mạch ngầm sinh nước không kịp uống. Nhớ nhất là mỗi đêm mùa hạn, dân làng phải trắng đêm hứng từng giọt nước. Khổ ghê gớm. Ngày xưa, dân làng Nhơn Châu dù ở giữa biển nhưng vẫn ra sau núi trồng khoai mì, lúa rẫy để lấy lương thực, sinh tồn giữa sóng gió khắc nghiệt. Cơn đói khát giữa biển suốt hơn 1 thế kỷ, nhưng dân làng vẫn bám đất bám biển, không chịu rời đảo…”, ông Lem kể.
Mãi đến sau ngày giải phóng, người dân Nhơn Châu mới chính thức có danh phận khi trở thành đảo thuộc TP Quy Nhơn. Từ đây, cư dân trên đảo bắt đầu tìm sinh kế mới. Họ rời núi xuống biển để đánh bắt, nuôi trồng hải sản. Có cua cá, dân đảo đánh thuyền vào đất liền để bán, đổi lấy lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết. Tuy vậy, cuộc sống vẫn chỉ đắp đổi qua ngày. Ước vọng thay đổi số phận thúc giục những người trẻ rời đảo vào đất liền, hình thành chuỗi ngày “thiên di” mới ở đảo biển này. “Mùa hè, lớp trẻ đi hết vào đất liền, đến các nông trường hoặc vào các công ty trên thành phố để xin làm việc… Cũng nhờ vậy, cuộc sống thế hệ trẻ thay đổi, chúng được thừa hưởng nhiều điều kiện hơn chúng tôi ngày trước”, ông Lem kể tiếp.
Khát vọng
Để đến được Nhơn Châu, chúng tôi lên con tàu gỗ khoảng 300 mã lực từ cảng Quy Nhơn vượt sóng. Tiếng tàu máy giòn tan, lướt chầm chậm vững chãi vượt qua từng đợt sóng ngày biển động. Ngồi bên cánh cửa sổ con tàu, đôi mắt trong trẻo của Hà Phương, quê ở đảo Nhơn Châu, sinh viên Đại học Quy Nhơn, ngắm nhìn những con sóng xanh của biển. Phương nói: “Em đang theo đuổi giấc mơ làm cô giáo tiểu học tại Đại học Quy Nhơn”. Theo lời Hà Phương, sự học của con em trên đảo Nhơn Châu lắm gian truân. “Tụi em chỉ học phổ thông ở đảo. Còn từ THPT trở lên phải vào đất liền trọ học. Ngoài đây ít con em được học THPT lắm”. Ba của Hà Phương là ngư dân đánh cá, còn mẹ thì mùa hè làm bốc vác vật liệu xây dựng các công trình trên đảo, mùa đông trên đảo khắc nghiệt nên gần như bó gối ngồi nhà.
Còn anh Trần Đình Vấn (thôn Tây, đảo Nhơn Châu) 35 tuổi kể, năm 15 tuổi anh bắt đầu rời đảo đi tìm vận may ở TPHCM, với khát vọng thoát nghèo. Tuy nhiên, suốt gần 10 năm bôn ba đất khách mà sự nghiệp vẫn không tiến triển, con tim của anh thúc giục trở về. Thời cơ cũng đến khi du lịch cộng đồng lên ngôi, các hòn đảo thành “mỏ vàng” cho ngành du lịch. Thế là Vấn quyết định về lại đảo, kêu gọi bạn bè cùng chí hướng bắt tay làm du lịch.
“Ban đầu đảo còn thiếu thốn, điện chập chờn nên làm du lịch như bọt sóng biển. Có khách là chúng tôi đưa ca nô ra đảo rồi dùng xe máy để làm tour du lịch bụi, ngắm cảnh, dựng lều đốt bếp lửa, đàn hát chay ở dọc bờ biển. Càng ngày càng thay đổi, nhóm tôi mở rộng quy mô và làm du lịch bài bản hơn trước…”, Vấn kể.
Cùng khát vọng như Vấn song chặng đường của Nguyễn Đức Toàn (26 tuổi, thôn Đông) suôn sẻ hơn. Nhờ dày dạn kinh nghiệm, gia đình lại có tiềm lực kinh tế, Toàn thành lập công ty du lịch, lấy tên Cù Lao Xanh Travel. Doanh nghiệp của Toàn mấy năm nay ăn nên làm ra, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục người dân, bà con trên đảo.
Hồi sinh
Cù Lao Xanh hội đủ các tiêu chí xanh - sạch - đẹp và là hòn đảo chưa bị “cơn lốc” du lịch, đô thị hóa tác động nên mọi thứ gần như nguyên vẹn. Đảo có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: trạm hải đăng xây dựng từ năm 1890, cột cờ Tổ quốc ở đảo Thanh Niên, hồ chứa nước ngọt, bãi đá Thảo Nguyên, mũi Yến, 3 bãi tắm cùng với nhiều đền, chùa hang, miếu mạo, lăng ông, hang đá, bãi đá cổ người Chămpa… Nhờ vậy, nhiều năm trở lại đây, người dân trên đảo đã bắt đầu phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Hiện trên đảo có 9 mô hình du lịch cộng đồng khá chuyên nghiệp. Trong đó, nhiều hộ dân chịu khó đầu tư tiền tỷ để xây dựng hạ tầng du lịch kiểu homestay, lưu trú xanh, giá rẻ…
Hỏi chuyện làm ăn kinh tế của bà con trên đảo, ông Hồ Nhật Lệ, Chủ tịch UBND xã đảo Nhơn Châu, phấn khởi: Dù trong điều kiện khó khăn nhưng người dân trên đảo luôn biết tìm tòi, sáng tạo. Nhiều mô hình sản xuất mới mẻ được bà con tự nghiên cứu hoặc ứng dụng rất hiệu quả. Trong đó có mô hình nuôi mực lá, tôm hùm bắt giống từ tự nhiên được đánh giá thành công, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con. Theo ông Lệ, mới đây cuộc “cách mạng” về điện đã bắt đầu kích hoạt, khởi động nhiều thế mạnh như du lịch cộng đồng, nuôi trồng thủy hải sản của người dân trên đảo. “Những thiếu thốn, khó khăn của người dân trên đảo đang dần được Nhà nước quan tâm đầu tư tháo gỡ nên cơ bản đời sống, làm ăn trên đảo thay đổi khá nhanh. Giao thương giữa đất liền và người dân Nhơn Châu đã được kết nối”, ông Lệ cho biết.
Khi chuẩn bị lên thuyền rời đảo, ông Lệ kéo tay tôi, thủ thỉ: Khi người trẻ chấp nhận bỏ đất liền về lại đảo là tín hiệu vui cho Nhơn Châu. Rồi đây, “đảo già” sẽ thức giấc, hồi sinh như cái tên Cù Lao Xanh mà lớp cư dân Việt đầu tiên đặt cho nó. Bên cạnh việc tái thiết đảo Nhơn Châu, chính quyền TP Quy Nhơn và tỉnh Bình Định cũng luôn quan tâm đến các lĩnh vực y tế và giáo dục cho đảo. Hiện tại, Nhơn Châu có 8 y bác sĩ, 23 giáo viên (chủ yếu giáo viên sinh ra tại đảo) bám trụ thường trực để chăm sóc sức khỏe và sự nghiệp giáo dục cho người dân, con em trên đảo. Nhơn Châu bắt đầu có những tín hiệu vui…