Đạo đức nhà giáo trong cơ chế thị trường

Sáng 8-6, tại hội thảo khoa học quốc gia “Đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay” do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM tổ chức, hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, giải pháp giúp giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức nhà giáo trong bối cảnh xã hội nhiều biến động. 

Hành lang pháp lý và thực tế còn vênh

Phát biểu tại hội thảo, TS Vũ Đình Bảy, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, cho biết, Điều 75 Luật Giáo dục (năm 2005) và Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung (năm 2009) quy định “các hành vi nhà giáo không được làm”. Đặc biệt, năm 2008, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo, trong đó quy định rõ yêu cầu cụ thể về phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, tác phong, giữ gìn và bảo vệ truyền thống đạo đức nhà giáo. 10 năm sau đó, Bộ GD-ĐT tiếp tục ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo.

Mới đây nhất, ngày 12-4-2019, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về Quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Ngoài ra, quy định về phẩm chất, đạo đức nhà giáo còn được Bộ GD-ĐT quy định rõ trong điều lệ trường học và chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở tất cả bậc học.

Như vậy, các quy định về đạo đức nhà giáo đã được quy định một cách chặt chẽ và đầy đủ, nếu thực hiện tốt có thể hạn chế, kiểm soát được các hành vi vi phạm đạo đức nghề. Tuy nhiên trong thực tế, thời gian gần đây, ngành giáo dục liên tục xảy ra nhiều trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo. 

Theo báo cáo của cơ quan phòng chống tội phạm Liên hiệp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 4-6 triệu học sinh có liên quan trực tiếp đến bạo lực học đường. Ở Việt Nam, vấn nạn bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Chỉ trong quý 1-2019 có 310 vụ bạo lực học đường xảy ra trên toàn quốc, chủ yếu ở lứa tuổi THCS và THPT.
Lý giải thực tế nói trên, PGS-TS Trần Thị Mai Phương, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng đạo đức nhà giáo trong bối cảnh hiện nay không còn là những phẩm chất, năng lực cá nhân mà đã trở thành chuẩn mực pháp luật. Trong đó, vấn đề đạo đức được hiểu là sự tổng hòa giữa 3 yếu tố gồm lý tưởng nghề, đạo đức nghề và kỹ thuật làm nghề. Trong bối cảnh cả nước đang chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, giáo viên phải đầu tư nhiều hơn vào phương pháp, kỹ năng và thủ thuật dạy học.
Đặc biệt, khi xã hội đang bị chị phối bởi cơ chế thị trường, nghề giáo cũng được xem là một hoạt động sản xuất hàng hóa. Vì vậy, làm thế nào để nhà giáo sống được bằng lương cũng như quan tâm hợp lý đến các vấn đề dạy thêm và tạo dựng thương hiệu, qua đó góp phần giải quyết vấn đề lợi ích kinh tế nhà giáo trở thành yếu tố quan trọng, ảnh hưởng quá trình công tác của giáo viên.    

Ngoài ra, theo nhà giáo Võ Diệu Thanh, Trường Tiểu học B Chợ Vàm, Phú Tân (tỉnh An Giang), bối cảnh xã hội hiện nay khiến hầu hết gia đình, phụ huynh căng thẳng kiếm tiền, áp lực công việc, thường có tâm lý phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường. Xét về mặt tâm lý, học sinh thường tin cậy thầy cô hơn cha mẹ.

Trong khi đó, một bộ phận giáo viên lại căng thẳng với áp lực thi cử, nhồi nhét kiến thức đáp ứng yêu cầu thi cử, chăm chăm dạy học sinh sao cho đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng mà bỏ qua yếu tố tâm lý. Từ thực tế đó, đạo đức nhà giáo cần được xây dựng từ chính ý thức nghề nghiệp của giáo viên. Người thầy ngoài việc nâng cao kỹ năng, kiến thức còn cần bồi dưỡng tình yêu thương, sẵn sàng tiếp nhận học sinh cá biệt.

Nâng cao chất lượng đào tạo ở trường sư phạm

Theo TS Nguyễn Trúc Thuyên, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), ở các nước phát triển, chương trình đào tạo giáo viên được thiết kế theo hướng phát triển năng lực người học. Đơn cử, tại Đức và Phần Lan, năng lực đạo đức được xác định là một trong 6 năng lực cần có của giáo viên. Giáo viên đứng lớp phải có bằng thạc sĩ.

Còn ở Canada, người dạy học phải hoàn thành cùng lúc 2 chương trình cử nhân khoa học (đào tạo về chuyên môn) và cử nhân giáo dục (chú trọng yêu cầu thực tập sư phạm). Trong chương trình đào tạo giáo viên, thực tập sư phạm là nội dung quan trọng, chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số tín chỉ sinh viên cần tích lũy.

Ngoài ra, giáo dục đạo đức nghề nghiệp là một trong những mục tiêu quan trọng và được cụ thể hóa trong chương trình đào tạo nói chung cũng như được tích hợp, lồng ghép trong tất cả hoạt động ngoại khóa, thực tập xuyên suốt quá trình đào tạo. Trong khi đó, ở nước ta, mục tiêu giáo dục đạo đức nghề giáo không rõ ràng, chủ yếu được lồng ghép trong một số học phần cơ bản như tâm lý học đại cương, giao tiếp sư phạm, giáo dục học…

Trong cùng một chuyên ngành đào tạo, mỗi trường đại học xây dựng các nội dung đào tạo khác nhau, thậm chí trong cùng cơ sở đào tạo, mỗi chuyên ngành xây dựng nội dung và thời lượng các môn học liên quan đến đạo đức nghề nghiệp không giống nhau.

Nhằm giải quyết thực trạng đó, các chuyên gia kiến nghị cần tăng cường khối kiến thức đào tạo về đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo giáo viên hiện hành. Ngoài ra, trường sư phạm cần tăng thời lượng và đa dạng hình thức thực tập sư phạm, đồng thời xây dựng bộ quy tắc ứng xử, đưa vào thang điểm đánh giá rèn luyện đối với sinh viên sư phạm.

Song song đó, cơ quan quản lý cần nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù cho nghề sư phạm, tạo điều kiện cho các thầy, cô có thể sống được bằng lương cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức sư phạm thông qua biện pháp nêu gương giúp nhân lên những hình ảnh đẹp, hạn chế tiêu cực...

Ngày 8-6, Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội tổ chức hội thảo thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên tiểu học đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Dịp này, Nhà xuất bản ĐHSP (Trường ĐHSP Hà Nội) cũng phát hành sách hướng dẫn tổ chức dạy học lớp 1 theo Chương trình GDPT mới.
Đây là một trong 2 tài liệu phục vụ bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện Chương trình GDPT và bộ sách “Hướng dẫn dạy học môn học/hoạt động giáo dục theo chương trình GDPT mới”, Tổng Chủ biên là GS-TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình GDPT 2018.
PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục