Ngày càng thông minh và khó lường
Robot Sophia “ra đời” năm 2015 được cả thế giới chú ý và tháng 7-2018 đã đến Việt Nam tham gia triển lãm, giao lưu. Được trang bị AI tiên tiến nhất, Sophia có thiết kế với hình dáng, cử động và “suy nghĩ” gần giống như con người. Với sự hoàn thiện cùng khả năng giao tiếp, tháng 10-2017, Sophia là robot đầu tiên được Chính phủ Saudi Arabia cấp quyền công dân. Cùng Sophia, hệ thống “trợ lý ảo” Siri của Apple hay Google Assistant được trang bị AI mạnh mẽ đang trở nên phổ biến, được con người đón nhận, sử dụng rộng rãi.
Hiện nay, AI đang đứng sau những chiếc ô tô tự lái mà cách đây 10 năm không ai có thể hình dung. Với những công nghệ mới, sự phát triển mạnh mẽ của AI diễn ra rất nhanh, từng ngày từng giờ, mang lại những lợi ích vô cùng to lớn trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, từ kinh tế, tài chính ngân hàng cho đến giáo dục, sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, bên cạnh việc tận dụng hiệu quả các thành tựu phát triển của AI, các quốc gia trên thế giới đã và đang đối mặt với những thách thức do AI mang lại, đặc biệt từ góc nhìn đạo đức.
Nếu xem qua các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như: Kẻ hủy diệt, Ma trận, Tôi là người máy…, nhiều người chắc hẳn từng đặt ra nhiều câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra một khi máy móc trở nên thông minh hơn và con người không thể điều khiển được chúng? Điều gì sẽ xảy ra nếu máy móc có trí tuệ vượt con người? AI làm thế nào để chấp nhận cái tốt, loại bỏ cái xấu khi đưa ra quyết định giúp cho con người...?
Nhiều quốc gia đang đặt ra kế hoạch đầy tham vọng đứng đầu thế giới về AI với những đột phá lớn trong lĩnh vực này. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định AI là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn của cách mạng công nghệ 4.0. Từ năm 2014, AI đã được đưa vào danh sách công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Nhiều năm qua, Chính phủ đã phê duyệt danh mục sản phẩm công nghệ cao ưu tiên đầu tư và danh mục sản phẩm công nghệ cao khuyến khích phát triển, trong đó có AI. |
Những khuyến nghị cần thiết
Ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, cho biết, UNESCO đã sớm nhận thấy cần phải xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức trong thời đại AI, hỗ trợ các quốc gia xây dựng chính sách để tận dụng lợi thế của AI, đồng thời hạn chế các mặt tiêu cực. Vì vậy, UNESCO đang xây dựng dự thảo “Khuyến nghị về đạo đức” trong AI; xác định và nhấn mạnh các giá trị tích cực, các mặt tiêu cực, các nguyên tắc cơ bản của AI, hướng dẫn cho việc phát triển và sử dụng có trách nhiệm các công nghệ AI, nguyên tắc về quản trị, cộng tác, thích ứng, nghĩa vụ của khu vực công và tư. Ở châu Âu, chiến lược phát triển về AI được tiếp cận theo hướng “lấy con người làm trung tâm” nhằm thiết lập một khuôn khổ cho sự phát triển dựa trên đạo đức, tính đáng tin cậy của công nghệ AI và các ứng dụng phù hợp với các giá trị của châu Âu, cũng như để chuẩn bị nền tảng cho một liên minh toàn cầu trong lĩnh vực này.
Theo GS-TS Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM), AI không chỉ bắt chước trí tuệ con người mà còn “bắt chước đạo đức”, có cả tốt và xấu. Ở Việt Nam, dữ liệu thông minh dùng ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, do vậy cần xây dựng chiến lược dữ liệu, luật dữ liệu, hành lang pháp lý về đạo đức AI và dữ liệu, cùng tuyên truyền giáo dục.
GS-TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), cho rằng, AI có thể làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, tạo nên thị trường lao động chia tách, phân mảnh với mức lương quá chênh lệch, làm trầm trọng thêm phân hóa và phân tầng xã hội. Vì vậy, cần phải nhận diện được nội hàm và bản chất của các khái niệm, xem xét AI từ góc nhìn đạo đức, đồng thời gợi mở và đề xuất định hướng chính sách, pháp luật phù hợp nhằm bảo đảm các quy chuẩn đạo đức trong ứng dụng AI ở Việt Nam.
Rõ ràng, còn nhiều vấn đề về AI mà chúng ta chưa hiểu rõ; khó có thể khẳng định hay lường trước được tác động xã hội cũng như những tác động đến phạm trù đạo đức trong ứng dụng AI. Vì vậy, AI cần được nghiên cứu thấu đáo, đánh giá một cách khoa học, hình thành cơ sở lý luận, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là về khía cạnh đạo đức, nhân văn trong công nghệ mới này.