Chúng ta cũng không thể cứ mãi khai thác những bộ phim hay kịch bản nước ngoài được, bởi không một dân tộc nào phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bằng những ý tưởng vay mượn… Chính vì vậy, việc đầu tư nghiêm túc cho những kịch bản chất lượng trong nước chắc chắn vẫn là hướng đi chiến lược và quan trọng về lâu dài.
Vũ Trường Khoa là đạo diễn của những phim truyện truyền hình rất được chú ý hiện nay trên VTV, như: Hai phía chân trời, Sống chung với mẹ chồng, Khúc hát mặt trời, Cả một đời ân oán, Tình khúc Bạch Dương… Anh vừa có cuộc trao đổi cởi mở với phóng viên Báo SGGP về một vấn đề đang phổ biến hiện nay trong lĩnh vực sản xuất phim, là chuyển thể, phóng tác những tác phẩm nước ngoài.
Đạo diễn Vũ Trường Khoa * PHÓNG VIÊN: Cả một đời ân oán tuy được làm lại nhưng người xem lại thấy câu chuyện rất Việt Nam. Góp vào thành công ấy là dàn diễn viên nhập vai xuất thần, anh đã chọn diễn viên cho phim như thế nào? Có ai được anh “nhắm” ngay từ lúc có kịch bản không?
- Đạo diễn VŨ TRƯỜNG KHOA: Bộ phim Cả một đời ân oán chủ yếu khai thác đề tài về gia đình nên việc chọn diễn viên có khả năng thể hiện tốt những sắc thái tình cảm cùng sự cảm nhận tinh tế về câu truyện sẽ là một lợi thế để tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn khán giả.
Ngay từ khi triển khai kịch bản, chúng tôi đã tính đến những gương mặt phù hợp với nhân vật và đưa ra lời mời. Khi họ nhận lời và đọc kịch bản, chúng tôi lại cùng trao đổi với nhau để chỉnh sửa cho từng nhân vật phù hợp hơn với diễn viên, nhằm xây dựng những mẫu nhân vật điển hình và sinh động, gần gũi nhất với cuộc sống. Có thể thấy một Mỹ Uyên sắc sảo, một Lan Phương ghê gớm, một Hồng Diễm dịu dàng, cam chịu, hay một Hồng Đăng đau khổ, đầy mặc cảm… đã làm nên những nhân vật sắc nét.
* Theo anh, hiện nay, mảng phim truyện truyền hình Việt đang gặp những khó khăn và thuận lợi gì?
- Thời điểm này, phim truyền hình Việt Nam đang có một số thuận lợi như được đầu tư tốt hơn về trang thiết bị kỹ thuật, điều kiện sản xuất, sự chuyên nghiệp của ê kíp làm phim, dàn diễn viên phong phú và có nội lực…
Tuy nhiên, theo tôi thấy, khó khăn là khá lớn, vì trước tiên khâu kịch bản vẫn là điều kiện tiên quyết tạo nên sự thành công của bộ phim. Chúng ta đang thiếu những kịch bản thật sự xuất sắc để tạo nên những bộ phim truyền hình ấn tượng. Một khó khăn nữa là sự đối mặt, cạnh tranh với các loại hình giải trí khác đang phát triển rất mạnh, phong phú và đa dạng, ở cả trên các kênh truyền hình truyền thống lẫn internet.
"Chúng ta đang thiếu những kịch bản thật sự xuất sắc để tạo nên những bộ phim truyền hình ấn tượng" - đạo diễn Vũ Trường Khoa
* Phim truyện truyền hình phía Nam đang có sự thụt lùi về chất lượng và số lượng, trong khi đó, phim truyền hình phía Bắc đang tạo nhiều dư luận tốt. Anh nhận định sao về hiện tượng này?
- Phim truyền hình phía Bắc, mà đơn vị sản xuất lớn nhất là VFC, khoảng 10 năm gần đây đã có những cải cách quan trọng nhằm nâng cao chất lượng phim, tạo sức hút đối với khán giả. Họ tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản để tìm ra những kịch bản tốt nhất, thu hút các tác giả kịch bản có năng lực cùng hợp tác lâu dài. Hợp tác với các nghệ sĩ ở cả hai miền Nam - Bắc để có thể đưa ra những tác phẩm chất lượng cao, đa dạng và phong phú về đề tài, bản sắc vùng miền. Tìm kiếm, khai thác các đề tài ở mọi lĩnh vực, vùng miền trong nước cũng như ở nước ngoài nhằm đem đến cho khán giả những bộ phim đa dạng và phong phú, nhiều màu sắc…
Nhà làm phim phía Bắc cũng chú trọng vào đầu tư về con người, xây dựng đội ngũ làm phim chuyên nghiệp thông qua các dự án sản xuất với nước ngoài để trau dồi kinh nghiệm, học hỏi các công đoạn sản xuất ưu việt mà đối tác đang sở hữu, đồng thời mua sắm trang thiết bị kỹ thuật hiện đại (máy quay 4K, thiết bị hậu kỳ…) đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cao trên thế giới và trong khu vực. Họ cũng tạo sự tương tác chặt chẽ với khán giả để lắng nghe những phản hồi về bộ phim đang phát sóng, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp hơn với cảm nhận của người xem… Và còn nhiều những nỗ lực nữa mà VFC vẫn đang quyết tâm tiến hành nhằm đưa phim truyền hình Việt Nam phát triển hơn trong việc thuyết phục cảm tình của khán giả.
* Với bộ phim Tình khúc Bạch Dương đang phát sóng trên VTV1, người xem có thể thấy sự đầu tư công phu về việc chọn bối cảnh, câu chuyện. Những kỷ niệm đáng nhớ với anh về bộ phim này như thế nào?
- Kỷ niệm về những tháng ngày làm phim tại nước Nga thì rất nhiều, trong suốt hành trình đầy khó khăn, vất vả của đoàn, trải dài từ Krasnoda, Saint Peterburg, Mátxcơva đến Tula… Đâu đâu, chúng tôi cũng được giúp đỡ nhiệt tình, chân thành của cộng đồng người Việt, cũng như những người bạn Nga. Điều đọng lại lớn nhất cho đoàn làm phim chính là tình cảm nồng ấm, chân thành của nước Nga.
* Là người có kinh nghiệm và khá thành công trong việc chuyển thể (Tình xa, Cả một đời ân oán, Khúc hát mặt trời), phóng tác (Sống chung với mẹ chồng) những tác phẩm của nước ngoài, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm làm sao để chinh phục được người xem và tin đó là câu chuyện của mình?
- Tôi nghĩ rằng, phải xem đề tài của kịch bản có phù hợp với văn hóa, xã hội và tình cảm của người Việt Nam hay không? Các sự kiện, tình huống có logic với đời sống người Việt hay không? Những mẫu nhân vật được xây dựng trong phim có gần gũi với khán giả Việt Nam hay không? Nếu một kịch bản chuyển thể, dù có hấp dẫn, lôi cuốn đến đâu nhưng không thỏa mãn những điều trên thì cũng sẽ không thành công trong việc thuyết phục khán giả Việt, nhất là với thể loại phim truyền hình dài tập.
* Hiện nay, việc chuyển thể, làm lại những bộ phim đã thành công của nước ngoài trở nên khá phổ biến ở cả phim điện ảnh lẫn phim truyện truyền hình…
- Tôi nghĩ, việc sử dụng lại kịch bản nước ngoài là một phần tất yếu của sự hội nhập và giao lưu văn hóa. Chính vì vậy, hàng năm, vẫn có những hội chợ phim quốc tế, mà việc trao đổi, mua bán kịch bản giữa những cơ sở sản xuất phim các nước là một trong những hoạt động thường xuyên của hội chợ. Có như vậy, chúng ta mới tiếp cận được với những xu hướng, thị hiếu đang là trào lưu trong khu vực cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể cứ mãi khai thác những bộ phim, hay kịch bản nước ngoài được, bởi không một dân tộc nào phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bằng những ý tưởng vay mượn… Chính vì vậy, việc đầu tư nghiêm túc cho những kịch bản chất lượng trong nước chắc chắn vẫn là hướng đi chiến lược và quan trọng về lâu dài.
"Chúng ta cũng không thể cứ mãi khai thác những bộ phim hay kịch bản nước ngoài được, bởi không một dân tộc nào phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bằng những ý tưởng vay mượn" - đạo diễn Vũ Trường Khoa
NHƯ HOA thực hiện