Đồng điệu với ê-kíp
* PHÓNG VIÊN: Cây táo nở hoa vừa xác lập những kỷ lục mới của phim truyền hình Việt. Nhìn vào những con số đó, điều gì khiến chị hạnh phúc nhất?
* Đạo diễn VÕ THẠCH THẢO: Đối với chúng tôi, đó là kết quả từ sự kiên trì của cả ê kíp, là cố gắng của từng cá nhân để có được một sản phẩm hoàn chỉnh, mang đến cho khán giả một bộ phim truyền hình chỉn chu nhất. Tôi thật sự hạnh phúc khi những nỗ lực đó được khán giả đón nhận bằng việc đồng hành cùng phim suốt thời gian qua.
* Nhưng bộ phim cũng gây ra không ít tranh cãi trái chiều, khi nhiều khán giả cho rằng câu chuyện, nhân vật bị bi kịch hóa?
* Có thể nói, Cây táo nở hoa là bộ phim truyền hình đang được thảo luận nhiều nhất trên các diễn đàn và mạng xã hội thời gian gần đây, nên dễ dàng nhìn thấy những tranh cãi trái chiều. Có nhiều khán giả cảm thấy tình tiết bi kịch; có khán giả khẳng định bản thân đã từng chứng kiến chuyện tương tự.
Nhưng cũng có khán giả đang bị lôi cuốn bởi chính sự kịch tính đó. Khi Việt hóa câu chuyện và nhân vật của Cây táo nở hoa, ngoài việc đảm bảo về nội dung kịch bản gốc, chúng tôi đã cố gắng mang đến những nét văn hóa thuần Việt nhất. Những phân đoạn kịch tính, cao trào như trong thời điểm này là để tạo nên những nút thắt lớn cho mỗi nhân vật. Và rồi từng nhân vật sẽ tìm ra cách giải quyết nút thắt của chính mình.
* Chị giải quyết bài toán Việt hóa đó như thế nào?
* Khi bắt tay vào một dự án Việt hóa, tôi và nhóm biên kịch luôn xác lập rằng chúng tôi đang làm phim cho người Việt xem, người Việt đánh giá. Vì thế, chúng tôi giữ lại tính cách nhân vật, những tình huống “đinh” của phiên bản gốc và làm lại những đặc điểm, nghề nghiệp, phản ứng của nhân vật khi đối diện với tình huống… một cách gần gũi đối với đời sống và văn hóa của người Việt Nam.
* Quy tụ dàn diễn viên tên tuổi, chỉ đạo diễn xuất cho họ với chị chắc là bài toán không đơn giản?
* Tôi nghĩ, việc một bộ phim quy tụ được dàn diễn viên tên tuổi, yếu tố đầu tiên vẫn là kịch bản, vì họ hứng thú với kịch bản mới tham gia. Và vì đó là những diễn viên tên tuổi nên các anh chị ấy có sự chuyên nghiệp với nghề nghiệp của mình. Tôi thấy bản thân mình khá may mắn khi được làm việc với họ trong một khoảng thời gian dài.
Chúng tôi từ từ hiểu nhau hơn, có những cuộc tranh luận nhưng cùng chung mong muốn làm thế nào để bộ phim tốt nhất có thể. Nếu bạn coi đây là một bài toán thì chúng tôi lại giải quyết nó như một bài văn. Quan trọng nhất là sự đồng điệu để cùng tạo ra một tác phẩm.
Trung thực với bản thân
* So với Gạo nếp gạo tẻ (năm 2018) cũng từng là hiện tượng phim truyền hình Việt, bộ phim lần này có gì đặc biệt hơn với chị?
* Gạo nếp gạo tẻ là bộ phim tôi là đồng đạo diễn. Tôi chỉ đạo diễn trong 55 tập đầu tiên. Dù vậy, Gạo nếp gạo tẻ phần 1 đã mang đến cho tôi cơ hội, sự trải nghiệm, học hỏi rất nhiều. Nhờ những điều đó, khi đến với Cây táo nở hoa, tôi thấy mình có sự chắc chắn, trưởng thành hơn. Tôi có cơ hội đi cùng phim từ những ngày đầu đến kết thúc nên cơ hội hiểu sâu về tác phẩm, nhân vật cũng rõ ràng hơn. Và có lẽ vì vậy mà tôi có cảm giác được “sống” đến tận cùng với Cây táo nở hoa.
* Nếu để nói về sự trưởng thành hay dấu ấn mang thương hiệu Võ Thạch Thảo, theo chị đó sẽ là?
* Tôi nghĩ trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta đều nhận ra mình trưởng thành theo một cách nào đó. Mỗi một tác phẩm qua đi, có những kinh nghiệm được rút ra, những bài học đáng giá… tôi đều thấy mình lớn hơn và hiểu hơn một chút.
Nhưng đến những tác phẩm sau, tôi lại có những kinh nghiệm và bài học quý giá khác, lại sẽ thấy trước đây mình chưa đủ sâu sắc để nhìn nhận về vấn đề. Vì thế, sự trưởng thành hay dấu ấn của bản thân tôi, đó chắc là những vòng tròn ngày càng lớn dần lên mà thôi (cười).
* Đạo diễn nữ trong giới làm phim truyền hình hiện nay chưa nhiều. Chị xem đó là rào cản hay lợi thế khi làm nghề?
* Sẽ tới một thời điểm, phụ nữ giữ vị trí quan trọng của đoàn làm phim. Trong ngành nghề này, tôi nghĩ mình phải thay đổi quan điểm của mình trước. Tôi không mang quan điểm mình là “nữ” đạo diễn, mà chỉ là đạo diễn khi ra phim trường.
Tôi không muốn mang giới tính vào công việc, vì như vậy tự khoanh vùng giới hạn của chính mình và làm mình trở nên nhỏ bé. Đối với tôi, dù ở bất cứ vị trí nào, bạn hãy làm tốt và đúng trách nhiệm ở vị trí đó, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng từ mọi người xung quanh.
* Cách đây vài năm, kịch bản điện ảnh Loài cá cô đơn của chị từng nhận được một giải thưởng. Không biết mọi thứ đã tiến triển đến đâu?
* Năm 2015, dự án của tôi được lựa chọn ở SAFF (Southeast Asian Film Financing - Hội chợ Dự án phim Đông Nam Á). Thời điểm đó, tôi khát khao được làm một bộ phim điện ảnh đầu tay là một phim arthouse (phim nghệ thuật). Nhưng sau đó tôi nhận ra, câu chuyện của mình chưa đủ thuyết phục nên tôi quyết định dừng lại.
Tôi biết mình cần phải học hỏi, trau dồi và nghiên cứu kỹ hơn nữa. Chỉ khi thực sự muốn làm bộ phim nào đó, bộ phim mới đến với tôi. Tôi cũng đang ấp ủ cho mình một vài dự án điện ảnh. Nếu có cơ hội, tôi muốn kể một câu chuyện chạm đến nhiều người với một phần góc tối của con người.
* Với phim ảnh nói chung, tâm thế và đích đến cuối cùng của chị là gì?
* Đó là kể một câu chuyện có cảm xúc. Tôi tìm kiếm những bộ phim và bản thân những bộ phim cũng tìm kiếm một người nó có thể tin tưởng. Tôi tin rằng, khi bạn làm phim hay làm bất cứ công việc gì bằng cả trái tim, đích đến chính là hành trình cảm xúc của chính bạn và khán giả của bạn.