Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của cả hai phía Công ty Tuần Châu và đạo diễn Nguyễn Việt Tú. Ở phiên tòa bị hoãn vào hôm 10-10, đạo diễn Hoàng Nhật Nam không được mời đến tòa, nhưng Hoàng Nhật Nam vẫn có mặt. Trong nước mắt, đạo diễn Nam nói: Tôi mong chờ phiên tòa công bằng để trả lại danh dự cho tôi và vở thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.
Vẫn theo đạo diễn Nam, khi đưa ra để mổ xẻ việc “Tinh hoa Bắc Bộ” có phải là phái sinh hay không thì cũng nên mời người cha của đứa con tinh thần đến tòa.
Ở phiên tòa lần này, đạo diễn Hoàng Nhật Nam được mời đến tòa với tư cách người biết việc. Ông Nam mong được tòa xem xét để mình tham dự tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. “Là cha đẻ của vở Tinh hoa Bắc Bộ, tôi mong muốn xin toà chấp nhận cho được tham gia toà với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nếu tôi chỉ được tham gia với tư cách người biết việc, như vậy tôi không được quyền cung cấp các tài liệu liên quan, không được mời luật sư bảo vệ quyền lợi”, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nói.
Về việc này, HĐXX cho hay, sẽ xem xét yêu cầu của ông Nam trong quá trình xét xử.
Tại tòa, đạo diễn Nguyễn Việt Tú giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Luật sư phía Công ty Tuần Châu trình bày thêm, căn cứ khoản 8, điều 4, Luật Sở hữu Trí tuệ nêu rõ, “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn. HĐXX cấp sơ thẩm căn cứ vào các điều khoản không liên quan, bỏ quên ý kiến chuyên môn của Cục bản quyền tác giả. Mong HĐXX cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty DS, tuyên tác phẩm “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm độc lập, không phải là tác phẩm phái sinh của vở “Ngày Xưa” của đạo diễn Nguyễn Việt Tú”.
Trước đó, ngày 10-10, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm giải quyết vụ kiện tranh chấp này. Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm đã cho hoãn phiên tòa do nguyên đơn là Công ty Tuần Châu có đơn xin hoãn vì người đại diện ốm.
Vụ kiện bắt nguồn từ việc, ngày 16-11-2015, Công ty Tuần Châu và Công ty DS ký hợp đồng nguyên tắc, thống nhất giao Công ty DS tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh của Tuần Châu, xây dựng kịch bản vở “Ngày xưa” (hay còn gọi là vở “Thủa ấy xứ Đoài”) để biểu diễn tại khu du lịch Tuần Châu Hà Nội (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội). Sau khi tác phẩm ra đời, giữa Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú xảy ra tranh chấp, khởi kiện ra Tòa về bản quyền vở diễn.
Để giải quyết tranh chấp này, tháng 3-2019, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm. Bản án sơ thẩm nhận định đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn “Ngày xưa”, còn Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu kịch bản. Việc Công ty DS đăng ký quyền tác giả đối với đạo diễn Việt Tú là đúng quy định nhưng doanh nghiệp này đứng tên sở hữu kịch bản là sai. Do đó, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Tuần Châu buộc phía đạo diễn Việt Tú chuyển giao quyền sở hữu kịch bản vở diễn “Ngày xưa” nhưng không chấp nhận yêu cầu bồi thường hơn 6 tỷ đồng của Công ty DS do không có căn cứ.
Sau khi án sơ thẩm tuyên, cả hai phía Công ty Tuần Châu và Công ty DS đều làm đơn kháng cáo. Phía Công ty Tuần Châu kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty Tuần Châu đối với Công ty DS; đồng thời đề nghị Tòa cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung bản án sơ thẩm tuyên kịch bản “Tinh hoa Bắc Bộ” là tác phẩm phái sinh của kịch bản “Ngày xưa” và phần tuyên Công ty Tuần Châu phải thanh toán tiền cho Công ty DS theo yêu cầu phản tố. Phía Công ty DS kháng cáo đề nghị Tòa cấp phúc thẩm buộc Công ty Tuần Châu phải thực hiện một số điều kiện thì Công ty DS mới chuyển quyền sở hữu vở diễn thực cảnh “Ngày xưa” cho Công ty Tuần Châu.