Hành trình tuổi trẻ
“Phim đã làm xong giống như người yêu cũ, dù trân trọng nhưng tôi không suy nghĩ nhiều. Tôi dành thời gian nghĩ về bộ phim tiếp theo” là chia sẻ ví von của đạo diễn Lê Bình Giang tại buổi trò chuyện với chủ đề “Đạo diễn trẻ: Vượt qua cái “bóng” phim đầu tay”.
5 năm trước, anh bắt tay thực hiện KFC, bộ phim sau đó đã chu du hàng chục liên hoan phim (LHP) lớn nhỏ trên thế giới. Tháng 8 vừa qua, anh giới thiệu dự án tiếp theo Who Created Human Beings tại chương trình Open Doors thuộc LHP Locarno (Thụy Sĩ).
Hầu hết đạo diễn trẻ thừa nhận, khi thực hiện phim đầu tay có rất nhiều đam mê, nhiệt huyết và cả sự dũng cảm, liều lĩnh. Nói như đạo diễn Chung Chí Công (phim Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi): “Phim đầu tay, tôi làm trong liều lĩnh. Ở thời điểm cách đây 3 năm, tôi muốn làm, phải làm và không muốn dừng cảm giác đó”.
Đạo diễn Trần Thanh Huy (phim Ròm) gọi quá trình thực hiện phim đầu tay giống như việc đi gieo mầm, trồng cây và quan sát nó lớn lên. Có rất nhiều vấp ngã, bước ngoặt nhưng đó là những khoảnh khắc tự nhiên trong hành trình tuổi trẻ.
Với nền tảng đó, các đạo diễn tự tin hơn khi bước vào dự án thứ 2, đồng thời có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. “Điều quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị kiến thức trước khi muốn làm phim tiếp theo. Sau đó mới nghĩ đến các vấn đề khác khi đã có chi phí đầu tư, lịch sản xuất… Tôi luôn cố gắng tìm các chi tiết mới cho phim trước khi phim bấm máy”, đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ.
Anh cũng cho rằng, khi bắt tay vào dự án mới, dù là điện ảnh hay phim ngắn, phải luôn xác định mình là người mới hoàn toàn, xây dựng lại từ đầu và không biết gì cả. Điều này sẽ tránh đi vào vết xe cũ của phim trước và tạo cảm giác tươi mới, hấp dẫn từ điểm khởi đầu. Đó cũng là suy nghĩ của đạo diễn Lê Bình Giang, bởi nếu làm giống như phim cũ chẳng khác nào đang “remake” (làm lại) chính mình.
Thách thức chính bản thân
Nếu phim đầu tay là sự ấp ủ và nuôi dưỡng lâu dài, thậm chí thời gian kéo dài đến 8 năm như Ròm, phim thứ 2 với nhiều đạo diễn là cơ duyên. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh từng chia sẻ, ngay sau khi làm xong Thưa mẹ con đi, nhà sản xuất khi xem bản dựng của phim đã ngỏ ý mời anh thực hiện phim thứ 2. Điều trùng hợp, bộ phim đúng với kế hoạch, mong muốn của bản thân nên anh nhận lời thực hiện Bằng chứng vô hình - tác phẩm vừa giúp anh nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam 2021.
Cơ duyên cũng là chữ được đạo diễn Chung Chí Công nhắc đến khi bắt đầu dự án Ngày xưa có một chuyện tình (chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh). Từ một dòng trạng thái chia sẻ trên Facebook sau khi đi xem Mắt biếc, biên kịch Trần Khánh Hoàng là cầu nối anh với nhà sản xuất.
Một trong những khó khăn lớn nhất với các nhà làm phim trẻ là kêu gọi đầu tư. Bước sang dự án thứ 2, họ nhìn nhận vấn đề theo cách đa chiều hơn. Theo Trần Thanh Huy và Chung Chí Công, mọi thứ dễ dàng hơn khi nhà sản xuất, đầu tư đã biết đến mình và đã có minh chứng khi phim ra rạp. Nhưng điều đó có thể là con dao 2 lưỡi. Việc thực hiện dự án một cách bằng phẳng, thiếu sự phản biện có thể tạo ra cạm bẫy, sai lầm.
Chung Chí Công nói, anh luôn thích sự hồi hộp, lo lắng và hoài nghi với bản thân bởi nó sẽ khiến anh cẩn trọng hơn. Anh cũng luôn nhắc nhở mọi người trong êkíp rằng cái tốt luôn ở phía trước, để cố gắng và không tự mãn.
Thành công mở đầu là điều rất đáng khích lệ. Nhưng bước qua thành công ấy để chinh phục thử thách còn quan trọng hơn. Và họ đã chọn cách tự tạo cuộc chơi, cách chơi mới và tăng độ khó cho nó. Thậm chí, họ đặt chính mình vào “chân tường”, không còn đường quay lại để làm bằng được những gì mình muốn. Nhưng, điều quan trọng hơn hết, tất cả đều cố gắng giữ cảm xúc, tình yêu với điện ảnh dù nhiều khi nó không còn thuần khiết và mãnh liệt như khi mới bước chân vào cuộc chơi.
“Còn duy trì được cảm xúc mới dũng cảm đi tiếp. Nếu mình không cảm xúc, rất khó để kể câu chuyện hay”, đạo diễn Chung Chí Công bày tỏ.