Đạo diễn Trần Ngọc Phong: Tôi dành nhiều tâm huyết cho "Cơn giông"

Là tác phẩm điện ảnh được Nhà nước đặt hàng, bộ phim Cơn giông, chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của cố nhà văn Lê Văn Thảo, do đạo diễn Trần Ngọc Phong thực hiện đã xong phần hình ảnh, đang vào giai đoạn hậu kỳ. Đạo diễn Trần Ngọc Phong cho biết, anh mong muốn được thực hiện tác phẩm này từ nhiều năm trước.
Cảnh trong phim Cơn giông
Cảnh trong phim Cơn giông

Làm phim về miền Tây như “cá gặp nước”

Theo đạo diễn Trần Ngọc Phong, anh đã từng đề cập đến việc đưa tác phẩm Cơn giông lên màn ảnh, với nhà văn Lê Văn Thảo lúc sinh thời, được ông gật đầu đồng ý. Phim sau nhiều năm được nhà biên kịch Ngô Hoàng Giang chuyển thể, qua nhiều lần chỉnh sửa, cùng với phần “bồi đắp” thêm các tình tiết để câu chuyện hoàn chỉnh, hấp dẫn từ kịch bản phân cảnh của Trần Ngọc Phong, Cơn giông đã nhận được quyết định “rót” tiền đầu tư từ Nhà nước để ra mắt trong năm 2021.

Đạo diễn Trần Ngọc Phong

PV: Như vậy, so với tác phẩm văn học, phim sẽ có một số thay đổi như thế nào?

Đạo diễn TRẦN NGỌC PHONG: Với đặc thù của một tác phẩm điện ảnh, tôi đã điều chỉnh để các tuyến nhân vật được gắn kết với nhau, câu chuyện cũng có thay đổi một số yếu tố so với tác phẩm văn học. Trong phim, khán giả sẽ thấy hai nhân vật chính: Bằng và Thuỷ cũng đã có được cái kết có hậu bằng một đám cưới đúng chất miền sông nước. Cũng từ chuyến trở về quê hương, Bằng cũng đã tìm ra người cha ruột của mình là ông Sáu Thiên, vốn là một cán bộ về hưu từng giúp đỡ Bằng những ngày đầu về Cà Mau. Thay vào chi tiết của hai đứa trẻ sinh đôi, chúng tôi tạo thêm tình tiết, kịch tính xúc động xung quanh cô bé mù và Bằng. Hy vọng, những độc giả của tác phẩm văn học tìm được sự đồng cảm với cách lý giải trên màn ảnh.

Từng làm nhiều phim về đề tài miền Tây, Cơn giông có điều gì làm khó anh?

Một điều thật thú vị, dù là người gốc Huế nhưng trong cuộc sống, bạn bè cho đến các phim đã làm, từ Những nẻo đường phù sa trước đây cho đến Duyên nợ miền Tây, Sông Phố nhà ghe, Bình minh châu thổ... tôi lại có nhiều dịp gắn bó với miền Tây, càng thêm yêu mến vùng đất Nam Bộ trù phú, con người thì hào sảng, chân chất. Vì thế, với Cơn giông, có thể nói, tôi vẫn như “cá gặp nước”, được làm là mê, nên không có điều gì khiến tôi ngần ngại.

Tuy nhiên, do bối cảnh quay tại Khu bảo tồn sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, vừa quay vừa canh con nước lớn khá phức tạp. Có khi đoàn mới bố trí máy, chuẩn bị bối cảnh chưa kịp quay, nước đang ngập tràn bổng nhanh chóng rút ra biển, khiến mọi người phải lội sình trở về chờ đợi con nước kế tiếp vào hôm sau. Chưa kể, nhiều cảnh quay thực hiện trên các vùng sình lầy, bước chân xuống lún đến gần thắt lưng, nên không ít trường hợp phải “giải cứu” như chính bản thân tôi đã từng “nếm trải” ( cười).                                    

May mắn hoàn thành trước đợt bùng dịch

Vì sao đoàn phim không chọn bối cảnh tại Cà Mau như dự định ban đầu mà chuyển về Cần Giờ? Vấn đề thuộc về kinh phí?

Việc chuyển bối cảnh về Cần Giờ không thuộc vấn đề kinh phí, mà do khi khảo sát tại Cà Mau, đoàn phim khó khăn không thể tìm được những bối cảnh rừng đước bạt ngàn như thời nguyên sơ của Cà Mau những năm sau 1980. Nhiều khu vực rừng đều đã được phân lô, chia cắt do việc nuôi trồng thủy sản.

Cảnh trong phim Cơn giông


Muốn có những bối cảnh như ý, phải đi vào các vùng xa, mất 4-6 tiếng di chuyển, nên không phù hợp. Vì vậy, việc tìm được bối cảnh như ý tại Cần Giờ khiến chúng tôi rất mừng, dù điều kiện quy định nghiêm ngặt, cấm chặt cây… Chúng tôi đã dàn dựng các cảnh lớn, có thể vượt qua nhiều khó khăn để có được những góc máy ưng ý.

Thật ra ngay từ đầu, tôi muốn mời một vài gương mặt phòng vé, để thuận lợi cho khâu phát hành, nhưng với kinh phí hạn hẹp không thể đáp ứng tiền tỷ cho cát sê ngôi sao, chúng tôi đã chọn gương mặt phù hợp vai, có khả năng diễn chuyên nghiệp. Thật mừng, khi hoàn thành phần hình ảnh, nhìn diễn xuất của các diễn viên: Trung Dũng, Thủy Phạm, Quách Tĩnh, Thạch Kim Long, Bé Cát Vi, Lê Huỳnh, Tấn Hoàng… đã hoá thân vào các vai diễn với niềm đam mê, trách nhiệm, tôi rất hài lòng.

Hiện tại, không dễ nhận được phim đặt hàng từ Nhà nước, khi có nhiều nhận xét về chất lượng những bộ phim đặt hàng không như mong muốn. Anh có gặp áp lực khi thực hiện không?

 
Phim do Nhà nước tài trợ nên có nguồn kinh phí vừa phải, nên không thể so sánh với các phim do các nhà sản xuất tư nhân đầu tư. Chúng tôi phải “liệu cơm gắp mắm” để có một tác phẩm đạt chất lượng tốt nhất, dù không thể mơ tưởng như các phim thị trường ra rạp với nguồn kinh phí lớn cho những cảnh quay hoành tráng, bối cảnh ngốn tiền tỷ hay kinh phí PR khủng cho từng công đoạn sản xuất, phát hành.

Là phim do Nhà nước tài trợ duy nhất ra mắt kịp tiến độ trong năm nay, anh có thể cho biết kế hoạch phát hành phim cho khán giả?

Điều may mắn nhất là phim đã hoàn tất ngay trước đợt bùng phát dịch, chúng tôi đang dựng hậu kỳ để kịp gửi về Cục Điện ảnh duyệt trong tháng 7, trước khi phim tham gia Liên hoan phim Việt Nam vào tháng 9-2021.

Việc phát hành không thuộc phạm vi chức năng nên thật tình tôi cùng ê kíp cũng không biết và không thể chủ động. Kế hoạch phát hành thuộc về Cục Điện Ảnh.

Xin cảm ơn đạo diễn đã chia sẻ!

Tiểu thuyết "Cơn giông" được Nhà xuất bản Trẻ in lần đầu vào năm 2002, sau đó được tái bản nhiều lần. Tác phẩm cũng được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003 và giải thưởng Văn học ASEAN 2006.


Phim do nhà biên kịch Ngô Hoàng Giang chuyển thể trong hơn 5 năm. Đạo diễn Trần Ngọc Phong tiếp tục hoàn chỉnh kịch bản phân cảnh với sự bổ sung vào câu chuyện một số nhân vật từ những truyện ngắn khác của nhà văn Lê Văn Thảo, như "Ông cá hô, "Đi thăm chồng"… để khắc họa rõ hơn thân phận người miền Tây sông nước.

Tin cùng chuyên mục