* PHÓNG VIÊN: Trong khi các phim Việt khác tiếp tục dời lịch phát hành, Rừng thế mạng vẫn kiên định ra rạp từ ngày 31-12-2021?
- Đạo diễn TRẦN HỮU TẤN: Chúng tôi vẫn quyết định ra rạp vì tự tin vào chất lượng phim, và hy vọng là phim Việt duy nhất phát hành thời điểm này sẽ bớt đối thủ cạnh tranh, góp phần giải “cơn khát” cho khán giả.
Tôi cũng nghĩ, nếu tiếp tục dời sẽ tạo tâm lý không tốt cho khán giả, bộ phim càng bị cũ, giảm đi giá trị và cơ hội tiếp cận người xem. Chưa kể, không ai chắc chắn mình sẽ có thời điểm phát hành mới tốt hơn. Thị trường rạp chiếu dù mới mở cửa hơn 50% số lượng cụm rạp nhưng cũng đang trên đà hồi sinh, đặc biệt sau thành công của Spider-Man: No way home (Người Nhện: Không còn nhà).
Ngoài ra, Rừng thế mạng đã đạt một thỏa thuận quốc tế quan trọng nên không thể trì hoãn thêm. Dự kiến, sau khi chiếu được 1-2 tuần, chúng tôi sẽ chính thức công bố thông tin này vì đó là thành quả mà không nhiều phim Việt đạt được.
* Nói đến chất lượng, đâu là điểm khiến anh tự tin nhất ở tác phẩm của mình?
- Không phải vì làm ra bộ phim mà tôi tự tin. Kết quả này đến từ buổi chiếu thử cho khoảng 80 khán giả thuộc nhiều đối tượng khác nhau. Dù thời điểm đó chỉ là bản nháp, nhưng phim được đánh giá tốt, đặc biệt thuyết phục khán giả từ 18-25 tuổi (độ tuổi thích đi phượt và chinh phục).
Câu chuyện về nhóm bạn trẻ đi phượt trong phim có đủ những mâu thuẫn, cảm xúc về tình bạn, tình yêu nên rất gần gũi. Chính bởi những đánh giá đó, nhà sản xuất tự tin 31-12 là thời điểm thích hợp ra rạp.
* Đã từng có những tranh cãi về bộ phim, sau cùng, điều anh muốn gửi gắm qua Rừng thế mạng là gì?
- Ý tưởng thực hiện Rừng thế mạng đến sau khi hoàn thành Bắc Kim Thang, ê kíp muốn làm mới bản thân nên quyết định đi phượt để có khoảng lặng cho cảm xúc. Đêm ngủ trong rừng đó khiến chúng tôi nảy ra ý định làm bộ phim sinh tồn có yếu tố kinh dị, giật gân. Kịch bản ban đầu của phim khá đơn giản, nhưng sau khi đi cung đường phượt nổi tiếng Tà Năng - Phan Dũng (Lâm Đồng - Bình Thuận) về, chúng tôi hư cấu lại câu chuyện, dựa trên một số sự kiện có thật nhằm khiến câu chuyện hấp dẫn, gần gũi hơn. Khi phim ra teaser đầu tiên, có nhiều ý kiến công kích, trái chiều. Nhưng tôi tin, khi khán giả xem phim sẽ có câu trả lời thỏa đáng.
Bộ phim giống như màng lọc, tấm gương để khi bước vào, nhìn vào, mỗi chúng ta sẽ biết được đâu là giá trị đáng để trân quý và điều quan trọng hơn hết là tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình.
* Đến dự án lần này, anh cảm nhận hành trình trưởng thành của mình như thế nào?
- Ở Bắc Kim Thang, tôi làm phim với tâm hồn ngây thơ, sung mãn, không biết sợ, thích là làm của người lần đầu dấn thân. Nhưng sau Rừng thế mạng, tôi học được sự điềm tĩnh và kiên nhẫn. Có điềm tĩnh mới biết đúng - sai, điểm cần đi tới và điểm dừng. Và không có gì thành công nếu thiếu kiên nhẫn.
Với phim này, không chỉ tôi, từng thành viên ê kíp đều tự cảm nhận sự trưởng thành. 120 con người ở rừng sâu không điện, nước, Internet, ai cũng có khoảng lặng để nhìn lại bản thân, biết được mình đã có gì, mất gì trước đây và cần làm gì sắp tới.
* Nhìn vào các dự án đã và đang thực hiện, có phải anh đang tự làm khó chính mình?
- Nếu không làm phim kinh dị, giật gân tôi không biết làm gì. Đó là thế mạnh và đam mê duy nhất của tôi trong phim ảnh. Nhóm đối tượng thích và mong muốn xem thể loại này tiềm năng nhưng còn giới hạn. Tuy nhiên, khi nhìn xa, tôi thấy nó vẫn là thể loại có tính an toàn cao để đầu tư kinh doanh, khai thác. Điển hình trên thế giới đã có những series phim nổi tiếng và lượng khán giả trung thành.
* Anh nghĩ sao nếu người khác nói mình có phần “khác người”?
- Tôi không phải người tâm linh hay duy tâm. Tôi yêu vùng đất này vì nó cho mình sự tưởng tượng phong phú, tự do và kỹ năng khám phá nỗi sợ hãi của mỗi người, đặc biệt là khán giả. Đó là phạm trù thú vị, bởi qua đó ta biết họ là ai. Khi hiểu khán giả sợ điều gì, mình sẽ biết cách biến nó thành yếu tố kỳ bí, kinh dị trong phim để thu hút họ.
* Có khi nào anh bị ám ảnh từ trong phim ra đời thực?
- Dù không duy tâm nhưng việc bị ám ảnh bởi tác phẩm mình viết ra là có. Sau khi đóng máy Rừng thế mạng, về nhà tôi có cảm giác sợ bóng tối. Thời gian quay phim, hơn 1 tháng tôi ở lều riêng, khá tách biệt với đoàn để đảm bảo không gian yên tĩnh làm việc. Khi về nhà, tôi vẫn có cảm giác ai đó đứng ngoài cửa nhìn mình và phải mất gần 2 tuần, mọi sinh hoạt mới trở lại bình thường.
* Vậy điều gì anh mong chờ nhất từ khán giả sau khi họ xem phim?
- Đó là sự đồng cảm. Quan trọng nhất, bộ phim, nhân vật cho người xem cảm giác yêu, ghét. Ngay cả khi bị ghét, tức là vẫn có sự kết nối với tác phẩm, câu chuyện.
Nhờ được học hỏi, tìm hiểu, phân tích tâm lý người tiêu dùng… khi làm giám đốc sáng tạo cho một công ty quảng cáo Nhật Bản cách đây 16 năm nên khi bước sang lĩnh vực điện ảnh gần 7 năm về trước, đạo diễn Trần Hữu Tấn có nhiều thuận lợi. Anh xác định muốn bán được vé phải cân bằng được tính thương mại và nghệ thuật, không để cái tôi quá lấn át, vừa chiều khán giả, đồng thời tìm được điểm phù hợp để đánh trúng thị hiếu của họ. |