Chia sẻ của đạo diễn Lương Đình Dũng nhận được nhiều sự chú ý tại hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” diễn ra sáng 22-11, trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 đang diễn ra tại thành phố Đà Lạt.
Toàn cảnh hội thảo về vấn đề bản quyền sáng 22-11 |
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết mình có đến 2 bộ phim đang bị phát tán trên mạng là 578: Phát đạn của kẻ điên và Xẩm đỏ. Anh cũng thừa nhận bản thân như "chết đứng" khi có hàng trăm trang web lậu phát tán phim của mình và hoàn toàn không có cơ hội để chống đỡ.
Anh đặt vấn đề, bản thân các nhà làm phim đa phần chỉ tập trung vào công việc làm phim. Khi có vi phạm xảy ra, việc tập hợp các bằng chứng vi phạm hay thủ tục về mặt giấy tờ đều rất khó khăn.
Đạo diễn Lương Đình Dũng "kêu cứu" vì vấn đề vi phạm bản quyền |
"Khi các bộ phim xuất hiện tràn lan trên mạng thì ai bảo vệ người làm phim chân chính và mức phạt với đối tượng vi phạm như thế nào?", đạo diễn Lương Đình Dũng bày tỏ. Anh cũng đề xuất nên có đường dây nóng cụ thể để nhà làm phim gọi thông báo vi phạm để sớm được giải quyết nhanh chóng nhất.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng đưa ra dẫn chứng, sau khi phát hành bộ phim Siêu lừa gặp siêu lầy hồi đầu năm thì ngay sau đó tìm kiếm từ khóa này trên TikTok xuất hiện hàng trăm các video. Làm thế nào để ngăn chặn hết tất cả là vấn đề được đạo diễn Võ Thanh Hòa đặt ra.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng dẫn chứng chính phim của mình bị vi phạm nghiêm trọng |
Cũng liên quan đến tình trạng vi phạm bản quyền, đại diện công ty cổ phần truyền thông đa phương tiện Thủ Đô - một đơn vị xây dựng các giải pháp về công nghệ để giải quyết vi phạm bản quyền dẫn chứng về hàng loạt vi phạm đối với các bộ phim vừa được phát hành tại rạp gần đây như: Đất rừng phương Nam, Người vợ cuối cùng, Tết ở làng Địa Ngục...
Hoang mang và bất lực là hai cụm từ đơn vị này đề cập khi nói đến thực trạng vi phạm bản quyền hiện nay. "Tài sản bị mất có giá trị lớn trong khi những kẻ phát tán chỉ quan tâm thu lợi cực nhỏ", đại diện công ty này cho biết.
Đạo diễn "chết đứng" phim " 578: Phát đạn của kẻ điên" bị phát tán trên mạng |
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng dẫn chứng thêm, tình trạng vi phạm bản quyền rất tinh vi, việc bị xâm hại bản quyền luôn trực chờ. Theo ông, ngay cả với phim tài liệu, hoạt hình, việc sử dụng hình ảnh tư liệu, lấy các đoạn nhạc có sẵn... nhưng không xin phép, dẫn nguồn minh bạch cũng rất phổ biến.
Trên thực tế, vi phạm bản quyền là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” ngay cả trong bối cảnh các hành lang pháp lý đã nhiều thay đổi, sửa đổi và cập nhật theo thực tiễn.
Ths. Phạm Thị Kim Oanh cho rằng hành lang pháp lý cần phải được hoàn thiện hơn nữa |
Theo Ths. Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL, bên cạnh các yếu tố để thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ giải trí, thúc đẩy công nghiệp điện ảnh phát triển như sáng tạo, sản xuất, phát hành và phổ biến tác phẩm điện ảnh để phát triển thị trường, tạo nguồn kinh phí tái sản xuất thì bảo vệ bản quyền, thành quả sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu.
Bà Kim Oanh cho biết, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi chung là bản quyền) được điều chỉnh bởi một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: Bộ luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính, Thông tư liên tịch hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Về mặt lý thuyết là vậy, song chính các chuyên gia trong ngành đều thừa nhận các vi phạm liên quan đến bản quyền chưa được xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe.
Phim "Đất rừng phương Nam" có nhiều video xuất hiện trên mạng xã hội |
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam dẫn chứng, đến nay mới chỉ có một vụ việc vi phạm bản quyền liên quan đến lĩnh vực phim ảnh bị khởi tố hình sự là trường hợp vi phạm của phimmoi.net. Theo bà, vụ việc hiện chưa được xét xử nên không biết mức độ xử lý như thế nào.
Hầu hết ý kiến tại hội thảo đều mong muốn chế tài xử lý phải thật sự có tính răn đe cao hơn, cùng với đó cần có cả các hình phạt bổ sung. Giải pháp khác được đưa ra đó là bản thân nhà làm phim cũng cần nâng cao nhận thức pháp luật về vi phạm bản quyền để có thể tự bảo vệ tốt hơn. Còn đạo diễn Võ Thanh Hòa đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố giáo dục khán giả, hiểu việc họ trả tiền ngoài thụ hưởng tác phẩm thì còn góp phần để có cơ hội thưởng thức các tác phẩm ngày càng chất lượng hơn.