- PHÓNG VIÊN: Ở cương vị mới, anh gặp áp lực như thế nào trong việc dẫn dắt TFS, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các đơn vị sản xuất phim truyền hình?
- Đạo diễn PHẠM VIỆT PHƯỚC: Trong vai trò người đứng đầu một đơn vị đã có thương hiệu, tôi có nhiều trăn trở. Điều tôi tâm niệm là mình phải luôn cố gắng mỗi ngày phân tích, tìm hiểu thị trường, khán giả và gắn kết đội ngũ những người đang đồng hành tại TFS. Tôi biết, phía sau tôi là rất nhiều người giỏi, đồng lòng và tâm huyết.
Cạnh tranh là yếu tố tất yếu hiện nay để ngành truyền hình nói chung, lĩnh vực phim ảnh nói riêng cùng phát triển. Trong bất cứ cuộc cạnh tranh nào cũng luôn có nhiều yếu tố chi phối. Nhưng tôi không xem các đơn vị sản xuất bạn là đối thủ mà là những người đồng hành. Bằng tất cả sự tôn trọng và suy nghĩ tích cực, đội ngũ TFS luôn nỗ lực để làm tốt nhất với những nguồn lực hiện có, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khán giả. Và quan trọng không kém là gìn giữ, phát triển những gì thế hệ đi trước tạo dựng, để lại.
- Từ truyền thống hơn 30 năm của TFS, điều gì khiến anh tự tin?
- Hãng phim đã có truyền thống, giàu năng lượng và giá trị cụ thể. Tôi xác định mình là người hòa cùng nhịp đập đó, cộng hưởng với các cộng sự để đưa hãng phim đi lên. Dù ở lĩnh vực sản xuất phim tài liệu hay truyền hình, tất cả đều nhìn thấy điều quan trọng nhất là phải nỗ lực, hòa nhịp, đồng điệu từ trong suy nghĩ để vực dậy, đưa TFS đi lên. Việc của người đứng đầu là tổng hòa các nguồn lực từ con người, thuận lợi về tài chính, giá trị lịch sử để lại và tối ưu hóa nó. Với sự ủng hộ của Ban Giám đốc HTV, chúng tôi hy vọng quá trình đó sẽ được rút ngắn.
Bất cứ cái gì có thời gian đi xuống muốn đi lên lại cần phải tích lũy đủ. Chúng tôi muốn rút ngắn quãng thời gian đó nhưng phải đi theo hướng bền vững, không thể trồi sụt hay ăn xổi, ở thì.
- Với nhiều biến chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất phim truyền hình, sự thích ứng, đồng bộ trong quá trình sản xuất tại TFS hiện nay đang diễn ra như thế nào?
- Điểm mấu chốt chúng tôi xác định là quy trình sản xuất hiện đại, mang tính thương mại nhằm thu hút, tận dụng mọi nguồn lực, đặc biệt các nguồn lực xã hội hóa, để làm ra những sản phẩm tốt nhất. Đó thực sự là những nguồn lực to lớn để mình tận dụng.
Như với dự án mới nhất - phim Lụa (đạo diễn Trần Đức Long), ngoài kinh phí do đài phê duyệt, chúng tôi còn kêu gọi được nhiều sự tài trợ theo nhiều hình thức khác nhau từ bên ngoài. Cách làm này sẽ tiếp tục được áp dụng cho các dự án tiếp theo, từ giai đoạn lên ý tưởng sản xuất.
- TFS có chiến lược cụ thể nào để thu hút các nguồn lực bên ngoài này?
- Chúng tôi vẫn đang trong quá trình mày mò nên chưa thể nói mình đã đúc kết được những kinh nghiệm nào. Tuy nhiên, vì đã nhận thức được bắt buộc phải sản xuất theo hướng hiện đại, đặc biệt trong việc kêu gọi tài trợ, nội dung có tài trợ nên đối với từng dự án, chúng tôi đều có những mục tiêu riêng. Nếu chỉ dựa vào kinh phí do đài chu cấp sẽ rất khó, vì vậy chúng tôi luôn trong tâm thế chủ động, tận dụng mọi nguồn lực xã hội.
- Anh định hướng diện mạo mới của TFS sắp tới sẽ ra sao?
- Thị phần truyền hình đang ngày càng sụt giảm trong nhiều năm qua. Để lôi cuốn khán giả, phải tận dụng nhiều phương tiện khác nhau, nhất là các mạng xã hội: YouTube, Facebook, TikTok… Đó là về mặt truyền dẫn. Về sản xuất, cốt lõi là bám xu hướng, thị hiếu khán giả. Khi đã thành công trong việc lôi kéo người xem trở lại với phim truyền hình, mỗi sản phẩm đều phải được để tâm một cách chỉn chu. Quan trọng không kém là đội ngũ. Để phát triển lâu dài, bền vững và rút ngắn thời gian đi lên phải có sự chắt lọc, chọn lọc kỹ hơn.
Theo tôi, về bản chất, mỗi bộ phim là một sản phẩm văn hóa nhưng đồng thời phải đảm bảo cả tính giải trí. Mình phải đáp ứng mong mỏi đó của khán giả nhưng cũng không thể quên đi chiều sâu, thông điệp, để khi xem họ sẽ có nhiều suy ngẫm, từ đó nhân lên những hành động tốt đẹp hơn.
- Ngoài những khán giả trung thành với TFS, nhất là ở phía Nam, anh có dự định mở rộng phạm vi đề tài để thu hút, phù hợp nhiều hơn các đối tượng khán giả mới?
- Đó là vấn đề dài hạn và theo chiều rộng. Với năng lực sản xuất hiện tại, chúng tôi muốn đi vào chiều sâu hơn, tập trung cho phân khúc khán giả miền Nam. Ít nhất trong 1-2 năm tới, chúng tôi vẫn tập trung cho đối tượng khán giả nơi mình thuộc về họ. Xa hơn, có thể 3-5 năm tới, TFS sẽ nhắm tới mục tiêu mở rộng thị phần khán giả.
Đạo diễn Phạm Việt Phước, còn có nghệ danh Phạm Lộc, là con trai của cố NSND, Anh hùng Lao động Phạm Khắc, Giám đốc Đài Truyền hình TPHCM giai đoạn 1996-2003. Phạm Việt Phước có nhiều năm quay phim ở TFS trước khi tốt nghiệp hệ cao đẳng Đạo diễn điện ảnh hệ VHVL K.3, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM và gây tiếng vang với phim tốt nghiệp Xin lỗi... anh chỉ là thằng bán bánh giò. Sau này, anh từng gây dấu ấn với nhiều phim truyền hình: Hoang đảo, Sóng mồ côi, Mùa cúc su si, Rừng thiêng, Giã từ những đêm hoang.