Giới sân khấu và khán giả yêu thích kịch nói vẫn thấy tên ông đều đặn trong vai trò đạo diễn một số vở mới của Sân khấu kịch 5B.
* PHÓNG VIÊN: Vở kịch Dấu xưa do ông đạo diễn đã nhận được khá nhiều giải thưởng, gần đây là Giải thưởng Sáng tạo TPHCM 2019...
* Đạo diễn - NSƯT TRẦN MINH NGỌC: Dấu xưa ra đời và công diễn vào đầu năm 2017, đến nay đã phục vụ hơn 50 suất diễn. Tác phẩm đạt được hiệu quả là vì trước đây, khi xây dựng hình tượng lãnh tụ trên sân khấu, chúng ta thường dựng hình tượng Bác rất nghiêm cẩn.
Với Dấu xưa, tôi muốn thể hiện một hình ảnh Bác gần gũi với dân từ lời nói, tác phong, hành động, công việc. Ví như: Bác để cho bảo vệ lên ngủ ở phòng làm việc của Bác, Bác đi về nông thôn làm thủy lợi; cách ăn mặc, cách đối xử, kể cả chuyện đi xe hơi cũ hay mới… đều lột tả hình tượng Bác hết sức tự nhiên, bình dị. Tôi cũng muốn xây dựng hình tượng Bác như một triết gia, một người hiền, một phong cách rất Á Đông.
* Nhớ về một thời quá khứ vàng son và đứng trước tình hình thực tế sân khấu đang gặp bao khó khăn, ông có nghĩ gì về hướng phát triển cho nghệ thuật sân khấu?
* Tôi tham gia hoạt động sân khấu của TPHCM từ năm 1986 đến nay và vui vì TPHCM phát triển kịch nói mạnh mẽ hơn cả Hà Nội, dù TPHCM là cái nôi của sân khấu cải lương. Nhớ lại, khi khán giả bắt đầu làm quen với kịch nói, thì đã được thưởng thức những tác phẩm tuyệt vời, những vở kịch có giá trị cả về văn học lẫn nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là được xem những nhân vật rất hay của thế giới, nên khán giả cứ thế bị cuốn vào dòng phát triển của kịch nói.
Nhưng khi chúng ta mở cửa thị trường, sân khấu gặp nhiều khó khăn, khán giả bị chia nhỏ cho nhiều loại hình giải trí khác, trong đó, các sân khấu xã hội hóa phải chịu tác động của sự cạnh tranh. Hơn thế, trong cách làm sân khấu chúng ta không có nhiều sự khác biệt lớn, cứ na ná nhau, vậy nên thiếu hẳn sự hấp dẫn để cuốn hút khán giả.
Thật ra, yêu cầu của sân khấu hôm qua và hôm nay đều như nhau, nếu chúng ta làm hay, ắt sẽ có khán giả. Làm hay thời buổi này là phải có tìm tòi, cập nhật tình hình mới, chứ nếu cứ chạy theo thị hiếu thì hiệu quả không cao, khán giả dễ nhàm chán. Nghệ thuật nào cũng thế thôi, trước hết phải độc đáo. Khán giả hôm nay là khán giả hiện đại, có nhiều sự lựa chọn, đòi hỏi đối với sân khấu càng cao hơn.
Nhưng, trong sự phát triển của các loại hình nghệ thuật, so với điện ảnh, truyền hình, xiếc, rối…, sân khấu vẫn lạc hậu nhất.
Sân khấu giờ nghèo nàn quá, kể cả phương thức, phương tiện, sáng tác, bao nhiêu năm rồi vẫn đi vào tả thực. Chúng ta đang dựa vào bản chất ước lệ để làm sân khấu. Ước lệ nhiều khi rất hay, nhưng ước lệ mãi cũng phản ánh sự nghèo nàn, ví như cứ sử dụng 2-3 cái bục, 2-3 cái cây là xong, đấy chính là sự thiệt thòi của sân khấu, nhất là người làm sân khấu.
* Như vậy, sân khấu cần phải đổi mới như thế nào để có thể xoay chuyển, thưa ông?
* Hiện nay, cần thay đổi trước tiên về cách nghĩ, cách làm sân khấu, cách phản ánh của tác giả. Thực tế, lực lượng sáng tác tên tuổi nay đã nhiều tuổi nên cũng nhiều hạn chế. Chúng ta phải dựa vào thế hệ trẻ. Nền sân khấu có phát triển hay không, trước hết là phải có đội ngũ sáng tác tài năng, phải có kịch bản chất lượng mới có chất liệu tốt cho đạo diễn, có nhân vật cho diễn viên thăng hoa, đó là cái chúng tôi mong mỏi, chờ đợi.
Hơn hết, tác phẩm sân khấu thời đại mới cũng cần sự ngắn gọn, súc tích, để phù hợp với tác phong con người thời đại mới. Tâm lý khán giả hiện nay không thích xem dài, nên diễn ngắn, thu gọn. Nhưng sân khấu hiện nay thoại nhiều quá, lẽ ra phải có nhiều hành động, sự việc thay cho thoại. Nói nhiều mà thoại lại không hay khiến tác phẩm không thu hút được khán giả.
Sân khấu TPHCM tuy có một thời huy hoàng nhưng chúng ta không giữ được. Thực trạng sân khấu đang bị non yếu, suy giảm. Đó cũng là quy luật. Để thay đổi và làm mới thì cần phải có thời gian và cần có chủ trương của nhà nước.
* Ở vai trò người thầy của bao thế hệ học trò đã và đang theo học nghệ thuật sân khấu, ông có suy nghĩ gì về công tác đào tạo ngành sân khấu hôm nay?
* Tôi gắn bó với công tác giảng dạy từ năm 1974, có học trò từ Bắc chí Nam. Qua thực tiễn, tôi thấy đối với công tác đào tạo, vẫn còn nhiều nỗi lo lắm. Nhìn vào các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật hiện nay, đội ngũ giảng viên quá mỏng, thiếu những người thầy kinh nghiệm, thiếu cả kinh nghiệm học tập. Tương lai và số phận người học chưa được quan tâm nhiều. Trong đào tạo chính quy còn thiếu những chương trình, thiếu kinh nghiệm để đúc kết.
* 84 tuổi đời, 50 tuổi nghề, ông mong mỏi gì cho bản thân mình và cho sân khấu?
* Tôi chỉ mong mình có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến. Tôi cũng hy vọng sân khấu có sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo, cần phải đầu tư những cái tối thiểu để sân khấu TPHCM tồn tại và phát triển.